DetailController

Khoa học - Môi trường

Cơ sở hạ tầng nông thôn cải thiện từ Dự án Giảm nghèo giai đoạn II

29/10/2015 00:00
Hưởng lợi từ Dự án Giảm nghèo giai đoạn II (2010 - 2015), hàng nghìn hộ dân tại 42 xã trên địa bàn 5 huyện: Lạc Sơn, Đà Bắc, Yên Thủy, Mai Châu, Tân Lạc đã có cuộc sống cải thiện đáng kể thông qua hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng thôn, bản. Sau 5 năm, Dự án Giảm nghèo giai đoạn II đã đầu tư bàn giao đưa vào sử dụng 166 gói thầu xây lắp cơ sở hạ tầng quy mô cấp xã với tổng mức đầu tư 185,243 tỷ đồng.
Hệ thống kênh mương thuộc Dự án Giảm nghèo giai đoạn II được đầu tư, cứng hóa đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho sản xuất rau, màu

 Dự án Giảm nghèo giai đoạn II đã đầu tư 72 công trình giao thông với tổng chiều dài 66,9 km (khoảng hơn 9.000 hộ dân hưởng lợi); các tuyến đường được xây dựng chủ yếu là vào các nơi sản xuất, tạo điều kiện cho người dân đi lại vận chuyển vật tư, phân bón và sản phẩm sau thu hoạch, giúp người dân giảm thời gian, chi phí và sức lao động, mở rộng diện tích canh tác, tăng giá trị sản phẩm. 76 công trình thủy lợi được đầu tư nhằm góp phần ổn định nước tưới tiêu cho diện tích khoảng 1.611 ha, giúp tăng vụ, tăng năng suất cây trồng. 17 công trình nước sinh hoạt được đầu tư cung cấp nước hợp vệ sinh cho khoảng hơn 1.771 hộ hưởng lợi; giúp giảm thời gian và công sức cho phụ nữ địa phương. 01 công trình chợ được đầu tư với số hộ hưởng lợi khoảng 535 hộ; phát huy hiệu quả là nơi giao lưu, buôn bán các sản phẩm và góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Trong giai đoạn 2012 - 2015, Dự án Giảm nghèo tỉnh đã triển khai 24 liên kết đầu tư sản xuất, thu hút sự tham gia của 9 đối tác (trong đó có 3 đối tác là doanh nghiệp tư nhân và 6 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần) với tổng mức đầu tư 32 tỷ đồng, tổng diện tích thực hiện là 834 ha cùng với sự tham gia của 4.650 hộ dân được biên chế thành 221 nhóm cùng sở thích. Đối với các liên kết đầu tư sản xuất sau khi kết thúc chu kỳ đầu, người dân tham gia thực hiện liên kết đã có thêm thu nhập để cải thiện đời sống, sản phẩm thu được mang lại giá trị kinh tế cao hơn từ các cây trồng truyền thống (lúa, ngô, khoai, sắn…). Sang chu kỳ 2 và chu kỳ 3, lợi nhuận thu được của các liên kết sẽ tăng thêm do chi phí đầu vào giảm, năng suất cao hơn.

Nếu tính hiệu quả kinh tế của toàn bộ 24 liên kết (cả liên kết không cho thu hoạch lẫn liên kết chưa cho thu hoạch nhưng dự kiến sản lượng và giá trị sản phẩm theo đề xuất), tổng sản lượng sản phẩm từ các liên kết thu được 42.721 tấn sản phẩm, với tổng giá trị thu được gần 68,7 tỷ đồng, lợi nhuận thu được 36,7 tỷ đồng (tính theo tổng mức vốn đầu tư), lợi nhuận trung bình 44 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân 14,7 triệu đồng/hộ, lợi nhuận trung bình 8 triệu đồng/hộ.

Thông qua các hoạt động của liên kết đa dạng hóa các cơ hội kết nối thị trường và hỗ trợ sáng kiến kinh doanh, người dân tham gia đã biết tổ chức hoạt động theo nhóm, chủ động sản xuất và tiếp cận thị trường, người dân xác định được các chi phí sản xuất, lợi nhuận thu được khi giá sản phẩm tăng giảm cũng như tính toán các rủi ro có thể gặp phải trong quá trình sản xuất và đưa ra phương án phòng tránh; người dân, doanh nghiệp và đối tác chủ động trao đổi, thống nhất giá cả sản phẩm, sản xuất theo quy trình kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, bán sản phẩm theo hợp đồng. Liên kết đầu tư sản xuất  tạo cho người dân có việc làm ổn định, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Mục tiêu Dự án Giảm nghèo phấn đấu hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng Dự án giảm khoảng 11 - 12% (2,4%/năm) từ mức 36,62% xuống còn 25%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2008; tạo việc làm cho ít nhất 5.000 lao động/năm; 100% số thôn bản được hưởng lợi từ Dự án; 70% phụ nữ trong độ tuổi lao động được tham gia các mô hình sản xuất theo nhóm hộ và các hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ; 100% số xã làm chủ đầu tư hiệu quả hợp phần Ngân sách Phát triển xã; 100% cán bộ Dự án của huyện, xã được cải thiện kỹ năng và kiến thức chuyên môn nhờ các hoạt động tăng cường năng lực; 100% thôn, bản được tham gia các khóa tập huấn về bảo đảm an toàn tài sản cho cộng đồng và hộ gia đình nông thôn; tăng tỷ lệ diện tích được tưới tiêu thêm 20%; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng 63,5% lên 80%; 75% hộ dân tộc thiểu số vùng Dự án được tham gia các dự án cải thiện sinh kế; 70% người dân trong phạm vi thực hiện Dự án hài lòng đối với hoạt động của Dự án./.