DetailController

Quốc phòng - An ninh

Có nên để tồn tại tình trạng nổ mìn phá đá trên tuyến đường du lịch?

02/03/2010 00:00

Sau khi lòng hồ Hòa Bình được đưa vào quy hoạch là vùng trọng điểm du lịch quốc gia, tuyến đường từ thành phố Hòa Bình lên xã Thung Nai thuộc huyện Cao Phong đã được đầu tư nâng cấp. Bến đưa, đón khách du lịch Thung Nai cũng đã được đầu tư xây dựng bế thế, khang trang.

Công nhân Công ty Cổ phần Sông Đà 702 chặn đường 435 để nổ mìn.

Đền Bờ cùng các điểm đến như Đảo Ngọc, Động Bờ cùng nhiều danh lam thắng cảnh trên vùng Hồ Hoà Bình đã và đang là điểm đến của du khách thập phương. Dọc theo tuyến đường tỉnh lộ 435, cùng với tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan mới khánh thành, các điểm du lịch văn hoá như bản Mường Giang Mỗ, Bảo tàng không gian văn hóa Mường... ngày càng thu hút đông hơn khách du lịch trong nước và nước ngoài, tạo bước chuyển biến mới về chất lượng và hiệu quả của các hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, khách du lịch trong nước và nước ngoài, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, giới văn nghệ sỹ đến tham quan, tìm hiểu, vui chơi, giải trí, sáng tác khi đi qua tỉnh lộ 435 đều tỏ ra bất bình trước tình trạng nổ mìn phá đá khai thác vật liệu xây dựng gây ảnh hưởng đến hoạt động của các điểm tham quan du lịch và việc đi lại bình thường của du khách do một số doanh nghiệp gây ra.

 
Bà  Nguyễn Thị  Liên ở  quận  Hà  Đông (Hà  Nội ) phàn  nàn:“Năm nào tôi cũng cùng gia đình và bạn bè lên vùng hồ Hoà Bình để đi lễ Đền Bờ và thăm quan, nghỉ ngơi. Trước đây, chúng tôi đi theo đường cảng Bích Hạ (Thái Thịnh) thuê thuyền lên Đền Bờ mất khoảng 2 tiếng. Khi được biết đường Hoà Bình – Bình Thanh – Thung Nai đã được cải tạo nâng cấp, chúng tôi đi theo tuyến này để tiết kiệm thời gian. Nhưng ngược lại, không ít lần chúng tôi bị chặn lại và phải chờ từ 1-2 tiếng giữa đường vì các doanh nghiệp nổ mìn khai thác.”
 
Ông Chy Won Je khách du lịch đến từ Hàn Quốc cũng tỏ ra khá bất bình: “Vào ngày nghỉ, tôi thường cùng bạn bè đi tham quan, nghỉ ngơi, qua tìm hiểu, chúng tôi biết và tìm đến bản Giang Mỗ, một điểm du lịch văn hoá của dân tộc Mường còn giữ được nhiều nét đẹp truyền thống, không khí ở đây trong lành bình dị và người dân rất mến khách. Chúng tôi rất vui vẻ, thoải mái khi đến đây. Nhưng khi trở về, cả đoàn xe bị một người đeo băng đỏ, tay cầm cờ hiệu đứng trước một tấm biển có dòng chữ “Dừng lại nổ mìn” chặn lại. Chúng tôi phải chờ hơn 1 tiếng việc nổ mìn mới hoàn tất. Cả đoàn ai cũng khó chịu khi phải chờ đợi quá lâu và thật ức chế khi đi du lịch lại phải nghe những tiếng nổ đinh tai, nhức óc, nhìn cảnh khói bụi mù mịt, đá bay rào rào. Thêm nữa, ai cũng tiếc khi thấy cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ trông rất phản cảm trên một tuyến có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như thế này”.
 
Từ khi đi vào hoạt động, Bảo tàng không gian văn hóa Mường không chỉ là điểm đến tham quan, tìm hiểu của du khách, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước mà còn là Trại sáng tác của giới văn nghệ sĩ. Ông Trần Viết Cảnh, một hoạ sỹ đến từ Thủ đô Hà Nội bày tỏ: “Khi mới đặt chân đến đây, tôi rất hài lòng bởi không gian thơ mộng, yên tĩnh, không khí trong lành, đó thực sự là môi trường lý tưởng để chúng tôi bàn bạc, trao đổi và sáng tác theo những đề tài mà mình yêu thích. Nhưng sự tĩnh lặng ban đầu ấy đã bị phá vỡ, bởi hầu như ngày nào chúng tôi cũng giật mình thon thót bởi hàng loạt tiếng nổ vọng dài theo vách núi cùng làn khói bụi mù mịt và tiếng đá rơi rào rào. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cách Bảo tàng không gian văn hoá Mường khoảng 500 m có 2 doanh nghiệp khai thác vật liệu xây dựng và hàng ngày họ nổ mìn để khai thác đá. Với các điểm du lịch trên tuyến thật khó giữ chân được du khách nếu tình trạng này cứ tiếp tục kéo dài”.
 
Nhiều năm qua, trên tuyến đường tỉnh lộ 435, (từ Km số 3 đến 4 km số 4) có 2 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Thành Lợi và Công ty Cổ phần sông Đà 702 tiến hành khai thác và sản xuất các loại đá phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Để phục vụ yêu cầu sản xuất, các doanh nghiệp này thường xuyên nổ mìn phá đá. Các điểm nổ mìn chỉ cách đường 435 từ 100-250 m. Vì vậy, khi nổ mìn các doanh nghiệp đều bố trí người cảnh giới chặn người và các phương tiện qua lại trên đường để bảo đảm an toàn. Thời gian bắt đầu và kết thúc một lần nổ mìn từ 1-2 tiếng và chủ yếu được tiến hành vào buổi trưa.
 
Các doanh nghiệp khai thác đá đều được các cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động. Việc tiến hành khai thác sản xuất đá đã góp phần khai thác nguồn tài nguyên sẵn có của địa phương, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động địa phương. Đồng thời có đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nếu để đẩy mạnh phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ trên tuyến tỉnh lộ 435 nói riêng và vùng lòng hồ Hòa Bình nói chung thì việc khai thác đá ở đây không thể tồn tại song hành. Thêm nữa, tình trạng khai thác đá còn phá vỡ cảnh quan thiên nhiên tạo nên “bức tranh” hết sức phản cảm cho khách tham quan du lịch. Lượng du khách cũng sẽ giảm dần nếu cứ tiếp tục phải chờ đợi và chứng kiến cảnh nổ mìn phá đá hàng ngày.
 
Đã đến lúc các cấp và các ngành chức năng cần tính toán, cân nhắc lựa chọn và có phán quyết giữa sự tồn tại của 2 lĩnh vực kinh tế. Qua thăm dò, đa số dự luận và chính quyền cơ sở đều đồng tình với sự phát triển ổn định, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên. Cũng có ý kiến cho rằng, để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động nhưng phải giữ được “mặt tiền” của dãy núi đá. Xin nhường câu trả lời cho các ngành chức năng của tỉnh cùng chính quyền thành phố Hòa Bình và huyện Cao Phong.