Đối với người Mường, nét văn hóa ẩm thực tiêu biểu được thể hiện ở “cỗ lá”. Người Mường quan niệm, miếng ăn là để tỏ lòng đối với đất trời, vì thế, trong các ngày lễ, tết quan trọng, thì mâm cỗ phải được sửa soạn đặc biệt. Cái đặc biệt trong mâm cỗ của người Mường chính là “cỗ lá'' với món ăn đặc trưng là thịt lợn. Thịt lợn đối với người Mường rất quý, vì để có lợn thịt, người ta phải mất cả năm để nuôi một con lợn. Có lẽ vì vậy mà lợn được thịt rất cẩn thận và đặc biệt, đó là lợn thui - đây cũng là một trong những nét văn hóa tiêu biểu trong tập quán của người Mường.
Cỗ lá của người Mường được sử dụng trong những sự việc quan trọng của gia đình. Những bữa ăn không mang tính chất quan trọng người ta không dùng cỗ lá mà mâm cơm được bày bình thường. Đối với người Mường, cỗ lá là một yếu tố ẩm thực có tính chất trang trọng theo suốt một vòng đời của mỗi người con xứ Mường. Từ khi mới được sinh ra, họ đã làm cỗ lá để mừng đứa trẻ chào đời và bữa làm vía đầu tiên trong cuộc đời, họ bày cỗ lá. Khi lớn lên, đến tuổi dựng vợ gả chồng, trong các bữa cơm của nghi thức cưới hỏi, người ta ăn cỗ lá, rồi cho đến lúc về già khuất núi, trong đám tang, người Mường bày cỗ lá. Trong mọi nghi lễ của một vòng đời, người Mường đều làm cỗ lá. Và đặc biệt đồ thờ trong mọi nghi lễ của người Mường, họ cũng chỉ thờ cỗ lá. Do dó cỗ lá được ví như một mốc đánh dấu bước ngoặt của mỗi cuộc đời người Mường.
Để làm cỗ lá, người Mường thường sử dụng thịt lợn. Sau khi giết, lợn được nhúng qua nước lã cho ướt hết lông, sau đó dùng cây nứa hoặc vừng khô làmđuốc, để đuốc cháy gần lợn và quạt lửa, quạt đến đâu cạo lông đến đấy. Cách làm này làm cho da lợn sạchbong khi cạo hết lông, người ta quạt đuốc thêm lần nữa để da lợn vàng, thơm. Sau khi sơ chế, tất cả được đem luộc chín (riêng xương sườn có thể nướng).
Sau qúa trình chế biến là khâu xếp cỗ. Không phải ai cũng biết cách xếp vì phải tuân theo đúng trình tự và quan niệm của người Mường. Người xếp cỗ không phải chỉ xếp sao cho đẹp mà còn phải xếp sao cho “cỗ lá” nói lên được ý nghĩa tâm linh - trời đất giao hòa và lòng biết ơn của người đối với đất, trời, rừng núi. Đối với “cỗ lá”, từ mâm cỗ đến các chi tiết đều có ý nghĩa nhất định. Mâm để xếp cỗ được làm bằng gỗ tròn hoặc vuông tượng trưng cho trời và đất, có chân để thể hiện sự vững chãi. Lá dùng để xếp cỗ phải là lá chuối rừng, loại bánh tẻ, vì lá chuối rừng mềm, lại thơm tượng trưng cho rừng núi. Mỗi mâm cỗ xếp một ngọn lá và một mang lá được xếp ở trung tâm tượng trưng cho đất và rừng. Trong quan niệm của người Mường, đất, rừng là người mẹ nuôi sống con người, vì thế ''cỗ lá'' thường mang hương vị của rừng được thể hiện ở các món ăn và cách xếp cỗ. Nếu là cỗ trong việc vui, người ta đặt quay phía ngọn lá vào phía trong (căn cứ vào phía trong và phía ngoài của nhà sàn), còn trong các nghi lễ cầu may, xua đuổi sự tà ma, người ta quay phía ngọn lá ra phía ngoài. Và trong các mâm thờ, người ta quay ngọn lá ra phía ngoài. Khi bày thức ăn, người ta sử dụng một miếng lá chuối được sén từ mang tàu lá chuối. Chỗ để xếp bộ lòng gồm gan xếp ở ngọn mang lá, tiếp theo phía dưới là dồi, sau đó đến dạ dày và ruột, mỗi thứ một hàng và chỉ đủ 6 miếng không hơn. Tim gan là phần quan trọng, cùng với bộ lòng thì sườn, nạc thăn và thịt nườm (thịt ba chỉ bụng thái dài, mỏng) là những thứ quý nhất trong con lợn, do đó, mỗi mâm cỗ chỉ xếp đủ 6 miếng cho 6 người ăn với ý nghĩa sẻ chia. Sau khi xếp bộ lòng ở ngọn mang lá, người ta xếp thịt nạc thăn dọc theo hai bên mang lá, ở giữa xếp thịt các loại trên cùng là xương sườn. Mỗi mâm cỗ được xếp thêm một bát tiết canh. ''Cỗ lá'' phải thế hiện đầy đủ các phần của một con lợn, từ xương, thịt, bộ lòng, tiết canh... để tượng trưng cho sự no đủ, hoàn chỉnh.Trong mâm Cỗ lá của người Mường không thể thiếu xôi, mà phải là xôi trắng để tượng trưng cho tinh hoa của đất và rừng. Xôi phải được ''đồ” với đúng cái ''cuốp'' của người Mường, xôi vừa thơm, vừa dẻo.
Mỗi mâm cỗ được xếp hai hoặc hai hoặc ba bát canh ''loóng'', là canh được nấu bằng cây chuối rừng non, thái mỏng, nấu với nước luộc lòng. Canh có vị ngọt đậm đà là món canh đặc trưng và không thể thiếu trong mâm cỗ.
Cuối cùng là “muối hạt dổi”, đó là muối sau khi rang lên, trộn với hạt dổi, loại hạt có màu đen, mùi rất thơm, sau khi đã được nướng trên than hồng và giã nát. “Muối hạt dổi” làm cho cỗ lá thêm hương vị, thêm đậm đà là một phần không thể thiếu trong mâm cỗ của người Mường.
Ngoài ra, mỗi mâm cỗ sẽ được xếp thêm một ''gù'' rượu và thêm một đôi đũa (6 người ăn, 7 đôi đũa)dành để gắp thức ăn mời.
Với người Mường, lễ nghĩa đặc biệt được coi trọng, vì thế khi ngồi mâm cỗ phải ngồi theo ''vai vế'', tức là theo thứ tự cao, thấp trong gia tộc. Người có ''vai'' cao nhất sẽ được ngồi ở ''voóng cái''. Đàn ông khi ăn ngồi xếp bằng tròn, đàn bà ngồi xếp mái. Trước khi ăn, người có “vai'' thấp nhất trong mâm sẽ rót rượu, chia bát tiết canh ra làm 6 phần mời cả mâm ăn và uống rượu, sau đó tráng sạch bát, dùng đũa gắp mời mỗi người đủ bộ lòng, gắp cho người có ''vai'' cao nhất trước và chỉ gắp một lần duy nhất, sau đó mọi người sẽ tự gắp ăn. Người Mường khi ăn cỗ thường ngồi rất lâu, vừa ăn vừa nói chuyện và để thưởng thức hương vị của các món ăn.
Cỗ lá là nét tinh túy trong ẩm thực của người Mường, nó chứa đựng ân tình của con người đối với đất, trời, rừng núi. Thưởng thức ''cỗ lá”, không phải chỉ đề cảm nhận hương vị đặc biệt của các món ăn chấm với ''muối hạt dổi”, mà ta còn cảm nhận được tình cảm mộc mạc, chân thành của con người thông qua cách bày cỗ, cảm nhận được lễ giáo, phép tắc thông qua cách ăn của người Mường.