Mở đầu lễ hội là trò diễn “Tứ dân chi nghiệp” hay còn gọi là “Bách nghệ khôi hài” - một màn kịch dân gian vui nhộn khắc họa bốn nghề chính trong đời sống (sĩ, nông, công, thương) với những làn điệu dân ca riêng biệt của vùng quê đất Tổ, phản ánh sự gắn kết con người với cuộc sống lao động, ca ngợi tình yêu hạnh phúc lứa đôi. Du khách đều hào hứng đặc biệt. Tứ dân chi nghiệp được diễn hồn nhiên, khiến ai xem lần đầu cũng phải choáng vì sự hài hước, ngộ nghĩnh, thâm Nho của người Tứ Xã bao đời nay. Khi diễn trò, trai gái hát đối nhau những câu đầy ẩn ý, vui nhộn như: Người ta đi cấy lấy công/Tôi nay đi cấy lấy ông chủ nhà; Người ta câu diếc câu rô/Tôi nay câu lấy một cô không chồng/Có chồng thì thả mồi ra/Không chồng thì cặp, thì tha lấy mồi; Đàn ông tậu ruộng ba bờ/ chớ để kẻ khác mang lờ đến đơm; Đi cấy thì gốc chổng lên/ ngọn thời cắm xuống mới nên mùa màng; Gặp đây anh mới hỏi nàng/ Cái gì lủng lẳng một gang trong quần; Ước gì em hoá ra trâu/ anh hoá ra chạc xỏ nhau cả ngày”; Ước gì em hoá lưỡi cày/ anh hoá thành bắp lắp ngay bây giờ”; Ai ơi chớ bảo tôi già/ Tôi còn gánh nổi cả ba cái lờ...
Hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của người xem hơn cả là lễ Mật mong cho nòi giống sinh sôi, được thực hiện vào nửa đêm ngày 11, rạng sáng ngày 12 tháng Giêng (âm lịch) tại miếu Trò. Sau lễ tế (bắt đầu vào lúc 23 giờ) do các cụ cao tuổi trong làng thực hiện đến đúng 0 giờ (ngày 12 tháng Giêng). Sau đó, cụ thủ từ Miếu Trò thắp hương và rước 'nõ nường' - hai vật tượng trưng cho giới tính nam và nữ (được làm bằng gỗ, sơn màu đỏ) thờ trong miếu Trò và trao cho đôi nam nữ đã được chọn từ trước. Tiếp đó, một người nam đóng khố, cởi trần, đầu chít khăn đỏ, cầm 'nõ', một người nữ mặc yếm đỏ, váy thâm, đầu vấn khăn, cầm 'nường'. Sau khi làm lễ khấn thần miếu xong, cụ thủ từ hô ba lần khẩu lệnh 'Linh tinh tình phộc!'. Lúc này, tất cả đèn, nến đều tắt. Sau mỗi câu 'Linh tinh tình phộc', đôi nam nữ chạm mạnh 'nõ nường' vào nhau. Người xưa quan niệm, nếu cả ba lần, hai vật này chạm đúng vào nhau thì năm đó dân làng sẽ gặp nhiều may mắn, sản xuất, chăn nuôi... thu được nhiều thắng lợi. Các cụ già xóm Trám kể lại : Xưa kia, sau ba câu khẩu lệnh “Linh tinh tình phộc”, cụ thủ từ sẽ hô to 'Tháo khoán”, mọi người dự lễ và các nam nữ sẽ hò reo và đuổi bắt nhau. Và đêm ấy được coi là đêm của tình yêu khi thanh niên nam nữ làng trên, xóm dưới được tự do tâm tình, cởi mở tấm lòng... Còn những đứa trẻ sinh ra từ đêm “Linh tinh tình phộc” được làng trọng thưởng. Ngày nay, không còn tục “Tháo khoán”, chỉ là hò reo vui vẻ nhưng tín ngưỡng phồn thực vẫn được tôn vinh và trở thành linh thiêng, chứa đựng ý niệm tốt đẹp, nguyện vọng tha thiết nghìn đời của cư dân nông nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Toàn, Chủ tịch UBND xã Tứ Xã cho biết, lễ hội Trò Trám là hoạt động văn hoá tinh thần của người Việt cổ, là bức tranh phản ánh cuộc sống tinh thần của con người dân vùng châu thổ sông Hồng. Ðó là lễ hội sinh tồn, có yếu tố 'nõ, nường'. Vật linh này được tôn thờ là vật báu. Đặc điểm nổi bật của Lễ hội Trò Trám là 'lễ mật'’, diễn ra vào giờ 'lành' lúc nửa đêm. Đó là phút 'khởi nguyên' sự sống cho một vòng đời, mong cho mọi người được đông đúc, xã hội ngày càng phát triển phồn thịnh. Lễ rước lúa 'thần', là lễ cầu mùa màng được tươi tốt, đồng thời để cảm ơn trời đất đã ban cho nhân dân những vụ mùa bội thu. Trò diễn 'Tứ dân chi nghiệp' như nhắc nhở mỗi làng quê, phải coi bốn nghề ấy làm gốc; mỗi người, mỗi nhà hãy chọn lấy một nghề để tạo dựng cuộc sống vững bền.
Sáng ngày hôm sau (12 tháng Giêng) là lễ rước lúa 'thần' cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Những bông lúa thu hoạch từ vụ trước thờ trong miếu được lấy ra rước đến đền Xa Lộc, nơi thờ vị tướng thời Trần có tên là Phùng Lân Hổ, sau đó tiếp tục rước chung quanh làng. Trong khi rước lúa trên đường làng, các trò diễn tiếp tục được thực hiện tạo không khí nhộn khắp cả làng. Cuối cùng là lễ cúng thập bái thực hiện tại miếu Trò để kết thúc hội.