Chưa bao giờ xã Chí Đạo và đỉnh núi Bái Nhạ, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) lại đông đúc, sôi động và vui nhộn đến vậy. Ngay từ sáng sớm ngày trung tuần tháng 11 vừa qua, con đường liên xã Chí Đạo đã chật cứng người, xe. Không khí y như ngày hội. Vài ngàn người dân từ khắp các xã trong huyện đến các huyện lân cận tạm gác công việc để được tận mắt chiêm ngưỡng những người chinh phục bầu trời. Họ là 43 phi công bay dù lượn đến từ 6 nước trên thế giới (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Đức, Pháp, Cộng hòa Séc) cùng thi tài với các phi công của 3 đoàn trong nước (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và chủ nhà Hòa Bình).
Đỉnh Bái Nhạ lộng gió. Gió thổi mạnh quá đến nỗi 7 lá cờ biểu tượng của các quốc gia tham dự cứ kêu phần phật. Ai nấy đều phải gập ô. Cánh phi công cũng phải nằm im trên bãi cỏ, giữ sức và chờ gió lặng bớt mới có thể cất cánh xuất phát. Song, đây cũng là cơ hội để làm quen và tâm sự chuyện nghề với cánh phi công. Một phi công nữ ở đoàn TP. Hồ Chí Minh ngồi bệt trên bãi cỏ, quấn khăn bịt kín mặt ngay cạnh tôi mở lòng: Môn thể thao này mạo hiểm lắm, nhất là đối với phái nữ. Nhưng nó mang lại cảm giác mạnh mà khi đã “sa chân” thì sẽ yêu mến đến nỗi không dứt ra được. Phụ nữ mà đã theo môn này hầu như cũng chỉ lấy được chồng cùng sở thích. Bởi việc luyện tập tốn nhiều thời gian lại hay đi đây, đi đó. Chồng chị cũng là phi công cùng đoàn. Hai vợ chồng cứ “chu du” khắp nơi. Còn phi công của Đoàn Hòa Bình quê huyện Lương Sơn Nguyễn Quang Chuẩn tâm sự: ở Hoà Bình có lẽ tôi là người đầu tiên dấn thân vào môn thể thao đòi hỏi sự dũng cảm, gan dạ này. Tôi gia nhập CLB dù lượn Hà Nội và cũng đã đi bay ở nhiều nơi từ Nam, chí Bắc. Riêng ở Hoà Bình đã đến 2 điểm là Đồi Bù và Bái Nhạ. Thiên nhiên quê ta là điểm đến hấp dẫn của cánh dù lượn. Khi bay bằng dù lượn sẽ nhìn cảnh vật từ một góc khác rất nhiều so với ngồi trên máy bay. Vì lúc đó mình bay lượn một cách tự do trên trời, làm chủ hoàn toàn và sẽ thấy được toàn cảnh vẻ đẹp bên dưới. Phi công Nguyễn Như Hoa, thành viên nữ của CLB Hà Nội cũng chia sẻ: Lúc đầu dù lên cao tôi sợ lắm, chỉ lẩm bẩm “mẹ ơi cho con xuống với..., bay thế này là đủ rồi”. Nhưng đến khi choáng váng vì vẻ đẹp của thiên nhiên nhìn từ trên cao mà thấy thật kỳ thú bởi mình đang ở giữa bao la trời đất, mọi bận tâm trong cuộc sống tan biến hết! Anh chàng phi công khá điển trai người Cộng hoà Séc Robert Machace có lẽ là người nước ngoài được bà con yêu mến nhất bởi anh rất thân thiện. Mặc dù đồng bào nói tiếng Mường anh không hiểu nhưng trong lúc đợi bay, anh luôn biểu diễn căng dù cho bà con xem để việc chờ bay đỡ tẻ nhạt. Anh nói với chúng tôi một câu bằng tiếng Anh rằng, bà con ở đây cũng thật thân thiện, điểm bay thì lý tưởng, hứa hẹn sẽ có nhiều đường bay đẹp!
Các phi công hạ cánh tại khu ruộng xã Chí Đạo (Lạc Sơn).
Lãnh đạo Tổng cục TD-TT (Bộ VH-TT&DL) đánh giá: dù lượn là hoạt động thể thao góp phần làm phong phú cho cả ngành thể thao lẫn du lịch trong nước. Giải vô địch thế giới đầu tiên được tổ chức tại áo năm 1989. Hoà Bình là nơi tổ chức giải dù lượn chính thức đầu tiên của Việt
Càng trò chuyện với những người gắn bó với môn dù lượn, chúng tôi càng háo hức để được tận mắt chứng kiến những con người chinh phục bầu trời Lạc Sơn. Đến gần trưa, gió đã lặng bớt, Nguyễn Quang Chuẩn vẫy tay chào chúng tôi và cùng các phi công khác bắt đầu chuẩn bị đồ nghề sẵn sàng cho việc cất cánh. Ai nấy đều hồi hộp, tim đập thình thịch khi phi công đầu tiên chạy đà, căng cánh và nhảy xuống từ đỉnh Bái Nhạ ngược theo hướng gió. Chỉ có tận mắt chứng kiến, ngửa cổ lên bầu trời nhìn các phi công bay lượn mới thấy hết sự hấp dẫn của môn thể thao này. Dọc con đường vắt ngang sườn núi, từng tốp người dân cũng dõi lên bầu trời chiêm ngưỡng những đường bay và trầm trồ thán phục. Nhiều phi công bay lên cao, bay xa mà nhìn từ đỉnh Bái Nhạ chỉ nhỏ như một con chim, rồi như một dấu chấm. Hơn bốn chục phi công cứ cất cánh như vậy, bầu trời Ngọc Sơn, Chí Đạo như có một đàn chim đang bay lượn. Được xem những hình ảnh này quả là cơ hội hiếm có, hấp dẫn trong cuộc đời.