Hàng chục năm trôi qua, nhà trường vẫn chưa có được đường vào theo đúng nghĩa và diện tích đất của trường bị cắt nhường cho các hộ gia đình thuộc diện Quyết định 853 của Chính phủ vẫn chưa được cấp bù đảm bảo theo đúng tinh thần Quyết định giao đất của UBND tỉnh. Ông Vũ Đức Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường bức xúc. Từ nhiều năm nay, sự bất hợp lý này đã trở thành nghịch lý ở một ngôi trường luôn nằm trong top dẫn đầu về chất lượng giáo dục bậc PTTH của tỉnh.
13 năm vào trường theo lối... mòn
Trường PTTH Lạc Long Quân được thành lập theo Quyết định số 483 QĐ/UBND ngày 12/9/1994 của UBND tỉnh tách trường PTTH Hoàng Văn Thụ thành trường PTTH Năng khiếu Hoàng Văn Thụ (nay là trường PTTH chuyên Hoàng Văn Thụ) và trường PTTH chuyên ban Lạc Long Quân (nay là trường PTTH Lạc Long Quân). Ngay khi được cấp có thẩm quyền giao đất, năm 1996 - 1997 nhà trường đã bắt tay xây dựng trường mới tại phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình. “Kể từ khi được thành lập, đi vào hoạt động tính đến nay dù đã hơn 10 năm, cơ sở vật chất nhà trường cũng đã được đầu tư cơ bản, khá hoàn chỉnh nhưng chúng tôi vẫn phải đi bằng lối mòn, men theo bờ ruộng của dân để vào trường”, ông Vũ Đức Nguyên cho biết. Kể từ khi xây dựng xong và đi vào sử dụng, qua hàng chục thế hệ học sinh, thầy trò nhà trường vẫn phải đi cổng phụ, hoặc nhờ đường của khu dân cư gần trường. Còn trên thực tế thì đường chính vào trường chỉ là lối mòn ngay sát với một ao, ruộng của dân. Ngày nắng đi đã khổ, ngày mưa thì bùn đất lầy lội, trơn trượt còn khổ hơn.
Trong nhiều năm qua, nhà trường đã liên tục có những kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền giải quyết vấn đề này, nhưng năm này qua năm khác, những kiến nghị đó vẫn chỉ như một hòn sỏi ném ao bèo. Từ năm 1996, UBND thị xã Hòa Bình (nay là thành phố Hòa Bình) đã có quy hoạch về tuyến đường giao thông nối từ ngã tư (Bưu điện Tân Thịnh) chạy song song với tường rào qua trường PTTH LLQ. Nhưng chẳng hiểu sao cho đến bây giờ dự án về con đường vẫn chưa được triển khai. Và cứ như vậy, mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới, nhà trường lại đưa vấn đề này ra kiến nghị với cấp có thẩm quyền ở địa phương. Nhưng suốt hơn 13 năm qua, nhà trường chưa nhận được câu trả lời cụ thể nào.
10 năm... “đòi” đất cho trường
Khi ra “ở riêng” trường PTTH Lạc Long QUân đã được UBND tỉnh cấp cho 10 nghìn m2 đất của Ban quản lý công trình thủy điện Hòa Bình tại tiểu khu 7 phường Tân Thịnh để xây dựng trường theo Quyết định 515 QĐ/UB ngày 03/8/1995. Tuy vậy, trên diện tích 1ha đất UBND tỉnh giao cho trường LLQ sử dụng thời điểm đó vẫn còn 46 hộ gia đình công nhân của xí nghiệp xây dựng và lắp máy số 10 thuộc Công ty Công trình ngầm (cũ) đang ở và sinh hoạt, chiếm diện tích khoảng 4.500m2. Mặc dù vậy, ngay từ khi được UBND tỉnh cấp đất, nhà trường đã nhiều lần có công văn, kiến nghị UBND tỉnh và các cấp có thẩm quyền giúp đỡ, tạo điều kiện GPMB 46 hộ gia đình công nhân này nhưng vẫn không có sự hồi âm, chỉ đạo cụ thể của các cấp, ngành chức năng địa phương. Đến năm 1997, thực hiện Quyết định 853 QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết chế độ đất ở cho các hộ gia đình tham gia xây dựng thủy điện Hòa Bình, xét theo các tiêu chí, thì các hộ trên đều thuộc diện được hưởng chế độ theo Quyết định 853. Để giải quyết những vướng mắc liên quan đến quyền lợi của các hộ trên theo Quyết định 853 QĐ/TTg, ngày 11/10/2004 UBND tỉnh đã có Công văn số 1669/UB-CV về việc “Xử lý một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định 853/TTg”. Theo đó, các hộ dân hiện đang ở trên đất đã giao cho trường Lạc Long Quân, sẽ được thẩm định, cấp GCNQSDĐ. Còn đối với khu đất đã giao cho trường LLQ tại Quyết định số 515 QĐ/UB, UBND tỉnh đã giao Sở TN - MT chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Tài Chính, Giáo dục - Đào tạo và UBND thị xã (nay là Thành phố) Hòa Bình kiểm tra tại chỗ, xem xét diện tích hiện trường Lạc Long Quân đang sử dụng, đồng thời đề xuất hướng giải quyết quỹ đất để giao cho trường đủ 10.000m2. Sau Công văn trên, đến ngày 19/5/2005, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 821/QĐ-UB về việc miễn giảm tiền sử dụng đất cho các hộ tham gia xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, hiện đang cư trú tại tiểu khu 7, phường Tân Thịnh. Theo đó, UBND tỉnh đã giao cho UBND thị xã phối hợp với Sở TN - MT lập hồ sơ thu hồi 2.954m2 đất của trường Lạc Long Quân để giao cho 46 hộ dân thuộc đối tượng 853. Ngày 22/6/2005, UBND tỉnh đã ra Quyết định 1064/QĐ-UB thay thế Quyết định 821/QĐ-UB về việc miễn giảm tiền sử dụng đất cho các hộ tham gia xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, hiện đang cư trú tại tiểu khu 7, phường Tân Thịnh. Theo Quyết định 1064/QĐ-UB thì trường Lạc Long Quân bị thu hồi 2.957,3m2 để giao cho các hộ. Tuy vậy, đến ngày 23/11/2005, UBND tỉnh đã tiếp tục ra Quyết định 2403/QĐ-UBND về việc thu hồi và giao đất cho thị xã Hòa Bình thực hiện cấp giấy chứng nhận đất ở cho các hộ gia đình. Theo đó đã thu hồi 4.493,1m2 đất đã giao cho trường Lạc Long Quân để giao cho UBND thị xã thực hiện việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình. Như vậy, “theo các Quyết định của UBND tỉnh đã cấp miễn giảm đất cho 46 hộ gia đình công nhân theo diện 853 tổng số 3.578m2 trong số 10 nghìn m2 đất UBND tỉnh cấp cho nhà trường. Hiện nay, diện tích đất của nhà trường trong tường bao là 7.557,7m2, trong đó, diện tích thực được sử dụng là 6.422m2, còn 1.155,6m2 là của 7 hộ gia đình thuộc diện 853 đang sử dụng đã được UBND tỉnh cấp Giấy CNQSDĐ. Với điều kiện này, rất khó để nhà trường quy hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác giáo dục”, ông Vũ Đức Nguyên cho biết. Thực tế, với diện tích đó, trường Lạc Long Quân không thể bố trí được sân tập cho tiết thể dục ngoại khóa. Cô giáo Nguyễn Thị Thủy, giáo viên môn Thể dục chia sẻ: Do không có sân tập nên đến tiết thể dục, thầy và trò chỉ biết... ra đường. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tình hình trật tự ở khu vực dân cư xung quanh và đặc biệt là vấn đề ATGT.
Từ tình hình trên, đã nhiều lần trường PTTH Lạc Long Quân, Sở GD - ĐT đã có công văn, kiến nghị các cấp có thẩm quyền có phương án đền bù GPMB 7 hộ gia đình thuộc diện 853 đang sinh sống trong tường bao nhà trường để cấp trả đất cho nhà trường. Đồng thời xem xét các phương án cấp bù 3.578m2 đất bổ sung cho trường theo tinh thần công văn 1669/UB-CV của UBND tỉnh. Tuy vậy, đã hơn 10 năm, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Để thực hiện công tác này, rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng địa phương nhằm tạo điều kiện để trường PTTH Lạc Long Quân phát huy những thành tích đã đạt được không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục. “Nếu đáp ứng được tiêu chí về diện tích đất để nhà trường tiếp tục đầu tư xây dựng thì đó chính là tiền đề quan trọng để nhà trường đáp ứng các tiêu chí trường chuẩn quốc gia”, Hiệu trưởng, Vũ Đức Nguyên cho biết.