DetailController

Giáo dục

Chuyển biến trong chất lượng giáo dục của một trường vùng cao huyện Đà Bắc

07/01/2011 00:00
Từ trung tâm huyện, để lên đến trường tiểu học Tân Pheo A (xã Tân Pheo- Đà Bắc) mất gần 2h đồng hồ. Cũng giống như nhiều trường vùng cao khác trong huyện, trường tiểu học Tân Pheo A còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Cô giáo Bùi Thị Chất, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các phòng chức năng hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu như: thực hành tin học, thư viện, hội đồng… Tuy nhiên, được sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền, ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên luôn yêu nghề, mỗi thầy, cô giáo luôn là tấm gương tự học, trau dồi kiến thức, các em học sinh tích cực trong học tập nên những năm gần đây, chất lượng giáo dục của nhà trường đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Một giờ lên lớp ở trường Tiểu học Tân Pheo A (Đà Bắc).

 

Trường tiểu học Tân Pheo A có tổng số 136 học sinh. Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên nhà trường không ngừng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy. Nhà trường tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, giáo viên tham gia các đợt tập huấn, bồi dưỡng kiến thức. Trường thường xuyên tổ chức cho giáo viên dự giờ, thăm lớp để cùng trao đổi, rút kinh nghiệm. Đội ngũ giáo viên trẻ luôn chủ động cập nhật những kiến thức mới, tích cực trong tự học, tự bồi dưỡng, tâm huyết với nghề. Nhờ đó, 100% giáo viên của nhà trường có phẩm chất đạo đức tốt và đạt trình độ chuẩn, trên chuẩn. Trong các kỳ thi giáo viên giỏi, nhà trường có 7 giáo viên giỏi cấp huyện, trường. Đối với học sinh, nhà trường tập trung bồi dưỡng học sinh khá, giỏi, tổ chức nhiều đợt thi học sinh giỏi cấp trường để tuyển chọn học sinh dự thi cấp huyện. Với học sinh yếu, kém, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên dạy phụ đạo vào mỗi buổi chiều. Kết quả, năm học 2009- 2010, toàn trường có 45 học sinh giỏi, tiên tiến cấp trường, 4 em giỏi cấp huyện; 100% học sinh thực hiện đầy đủ 5 nhiệm vụ của học sinh tiểu học.
 
Khó khăn trong nâng cao chất lượng dạy và học là điều kiện về KT- XH trong xã còn chưa đồng đều ảnh hưởng đến huy động mọi nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động của trường. Mặt khác, một số bậc phụ huynh vẫn chưa quan tâm nhiều đến học tập của con em mình nên đã lơ là, không đầu tư cho giáo dục. Một số xóm nằm cách xa trung tâm xã như Phổn, Bon (cách 5 km), để đi bộ đến trường, các em phải dậy từ 5h sáng. Những ngày nắng ấm đã vất vả, những ngày mưa, lạnh lại càng vất vả hơn. Cũng chính vì vậy, những năm trước, tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn còn. Để khắc phục khó khăn đó, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền và ban đại diện phụ huynh học sinh nhằm tăng cường huy động các lực lượng xã hội đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường học, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ… Đồng thời, nhà trường cử giáo viên đến từng xóm, gia đình học sinh để tìm hiểu về điều kiện, hoàn cảnh của mỗi em qua đó đã nắm được các đối tượng học sinh có chiều hướng nghỉ học, kịp thời tuyên truyền, vận động các em tiếp tục đến trường. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ học sinh bỏ học không còn.
 
Cô giáo Bùi Thị Chất khẳng định: Năm học 2010- 2011, nhà trường tiếp tục triển khai các CVĐ như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Hai không”; “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... Thường xuyên xây dựng kế hoạch và tìm ra giải pháp thực hiện cụ thể nhằm đạt được mục tiêu năm học đã đề ra.