DetailController

Giáo dục

Chương trình đào tạo nghề góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM

15/09/2011 00:00
Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, các địa phương luôn cho rằng tiêu chí về cơ cấu lao động là một trong những điều kiện khó khăn nhất. Cũng vì thế, khi chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn được triển khai, các địa phương đều đón nhận rất nhiệt tình.
Lao động nông thôn của huyện Lương Sơn tham gia học nghề may công nghiệp tại Trung tâm Dạy nghề huyện.

Trong 11 xã điểm trong tỉnh được đầu tư xây dựng xã NTM giai đoạn 2011-2015 đều có chung xuất phát điểm rất khó khăn như: xã thuần nông, hệ thống hạ tầng yếu kém, trình độ dân trí thấp... Bắt tay xây dựng NTM, một trong những tiêu chí khó hoàn thành nhất đối với các xã điểm chính là cơ cấu lao động qua đào tạo nghề phải đạt mức yêu cầu. Để hoàn thành chỉ tiêu này phải cho nông dân tham gia các lớp đào tạo nghề. Ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy chia sẻ: Lạc Thủy là huyện miền núi thấp, dân số 60.781 người, trong đó có trên 86% dân số và 87,4% lao động đang sinh sống, làm việc tại khu vực nông thôn. Là huyện thuần nông nên các mặt hàng nông - lâm nghiệp, thủy sản sản xuất ra chủ yếu phục vụ tại địa phương. Trên địa bàn huyện, một số ngành nghề nông thôn được phát triển đã giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi. Tuy nhiên, các ngành nghề nông thôn trên địa bàn phát triển mang tính tự phát, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao, thiếu tính bền vững. Huyện đã quy hoạch 5 cụm công nghiệp tại các xã: Phú Thành, An Bình, Đồng Tâm, thị trấn Chi Nê, thị trấn Thanh Hà. Hiện nay, một số nhà đầu tư đã đầu tư vào địa bàn huyện với các lĩnh vực: chế biến, bảo quản nông sản, phát triển chăn nuôi quy mô tập trung, phát triển dịch vụ du lịch, khai thác và sản xuất VLXD... Kinh tế dần chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ nhưng đời sống của người dân vẫn còn khó khăn. Trong đó, đáng quan tâm nhất là còn một bộ phận lao động trong độ tuổi chưa có việc làm ổn định. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hàng năm, thông qua các chương trình khuyến công bằng nhiều nguồn vốn của T.ư, địa phương đã tổ chức được nhiều lớp đào tạo nghề cho nông dân như: dạy thêu, may, cơ khí, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 23%. Với các lớp đào tạo nghề ngắn hạn như: trồng cây cảnh, lúa cao sản, cây ăn quả, rau an toàn, chăn nuôi chất lượng cao. Tới đây, Lạc Thủy có thêm những nông dân vừa dày dạn kinh nghiệm sản xuất, vừa nắm rõ tiến bộ kỹ thuật để làm giàu trên quê hương mình.

 

Ông Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó BCĐ 800 tỉnh khẳng định: Mục tiêu xây dựng NTM chính là cách làm cụ thể hóa Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các chương trình sát thực, phù hợp với điều kiện KT-XH của từng nơi. Tuy nhiên, để các lớp học đạt hiệu quả cao phải nhận thức rõ những khó khăn, thuận lợi của địa phương để xây dựng chương trình, mục tiêu phù hợp, tránh hình thức, chương trình sát với thực tế, trình độ của lao động nông thôn. Để hỗ trợ các địa phương xây dựng xã NTM, đặc biệt là nâng cao chất lượng các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi, đầu tư cơ sở hạ tầng để kết nối chặt chẽ SX-KD - tiêu thụ. Với một số địa phương phải đối mặt với tốc độ đô thị hóa nhanh, buộc phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Theo đó, lao động nông thôn sẽ là đối tượng chịu nhiều tác động, gặp khó khăn nhất nếu không được đào tạo nghề. Bà con sẽ theo học các lớp đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp để chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động của chính gia đình mình. Tỉnh ta sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Quyết định 1956, đã có 10 huyện thành lập Trung tâm dạy nghề, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực để tổ chức hoạt động dạy nghề. Với nguồn ngân sách cấp của 2 năm 2010 - 2011 gần 6,5 tỷ đồng đã tổ chức dạy nghề cho khoảng 2.600 lao động nông thôn. Đến tháng 8/2011 đã mở được 38 lớp/tổng số 67 lớp kế hoạch cả năm. Đây là tín hiệu lạc quan cho công tác đào tạo nghề lao động nông thôn.