Nhớ lại 10 năm về trước, ông Bùi Thanh Truyền cho biết thêm: Nam Sơn là xã vùng xa, đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều xóm cách xa trung tâm xã, giao thông đi lại không mấy thuận tiện như các xóm: Xôm, Bái, Trong… (cách trung tâm xã từ 5- 7 km) đã có lúc việc huy động trẻ đến trường là thách thức với lãnh đạo xã. Bằng nỗ lực không ngừng, lãnh đạo xã phối hợp với các nhà trường thường xuyên đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng số lượng trẻ đến lớp đúng độ tuổi qua từng năm. Đồng thời, mở thêm các chi mầm non, tiểu học tại các xóm cách xa trung tâm, giao thông khó khăn. Hiện nay, Nam Sơn hiện có 323 học sinh tại các cấp học: mầm non, tiểu học, THCS. Nhiều năm, tỷ lệ trẻ ra lớp đúng độ tuổi đạt 100%, không có trẻ bỏ học giữa chừng.
Trong nhiều năm, chính sách xã hội hóa giáo dục được UBND xã, các nhà trường thường xuyên tuyên truyền đến từng người dân. Cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trong xã tự nguyện tham gia đóng góp tiền và ngày công lao động xây dựng, sửa chữa trường, lớp học. Nhờ vậy, hiện nay, hệ thống phòng học ở các cấp học đều đã được kiên cố hóa, đảm bảo khang trang, sạch sẽ, đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh. Hàng năm, phụ huynh học sinh, nhà hảo tâm trên địa bàn còn tích cực tham gia gây quỹ khuyến học bằng tiền mặt, ngày công lao động. Đến nay, xã Nam Sơn đã gây được quỹ trên 10 triệu đồng dùng tặng quà giáo viên, học sinh có thành tích xuất sắc, hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.
Là xã còn nhiều khó khăn, giáo viên “tại chỗ” không có, làm sao để các thầy, cô giáo yên tâm công tác tại Nam Sơn cũng là vấn đề đặt ra cho lãnh đạo xã. Được biết, những năm đầu, đời sống của giáo viên mầm non còn nhiều khó khăn. Ngoài tạo điều kiện để các thầy, cô không phải tham gia nghĩa vụ cộng đồng, lãnh đạo xã còn huy động phụ huynh học sinh đóng góp thóc hỗ trợ các cô ổn định cuộc sống. Đồng thời, từ nguồn vốn ngân sách đã đầu tư xây dựng hệ thống công trình phụ trợ, nhà công vụ gồm 8 phòng khang trang với những trang thiết bị thiết yếu đầy đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho giáo viên. Nhờ vậy, nhiều thầy cô giáo đã yên tâm ở lại công tác, gắn bó lâu dài với vùng đất còn nhiều khó khăn này. Cũng đã có nhiều năm làm công tác giảng dạy tại trường THCS Nam Sơn, thầy Bùi Quốc Hoàn cho biết: Mặc dù không tiếp thu nhanh như học sinh ở thành thị nhưng các em chăm chỉ, ham học lắm. Chính điều đó cùng với sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo xã, phụ huynh học sinh đã giúp chúng tôi thêm yêu và muốn gắn bó lâu dài với Nam Sơn.
Minh chứng rõ ràng nhất cho sự quan tâm đầu tư xã hội hóa giáo dục của Nam Sơn là xây dựng thành công và đi vào hoạt động hiệu quả của mô hình tiếng trống học đêm. Năm 2007, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã giao Đoàn xã Nam Sơn, các trường trên địa bàn bắt tay vào xây dựng mô hình trong sự đồng thuận của đông đảo các bậc phụ huynh học sinh. Nhờ thực hiện tốt quản lý học sinh ngoài trường đã góp phần nâng cao chất lượng học tập của các em học sinh trên địa bàn xã.
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là xã hội hóa giáo dục được triển khai mạnh mẽ, chất lượng giáo dục tại xã ngày càng được nâng lên. Năm học 2007- 2008, tỷ lệ học sinh khá, giỏi chỉ chiếm 41% đã tăng lên 48% (năm 2008- 2009). Năm học 2009- 2010 nâng lên 50%. Từ năm 2007 đến nay, 100% học sinh của xã được lên lớp, chuyển cấp, 100% thi đỗ vào các trường THPT; nhiều em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.