Triển khai chỉ thị, ngành Nông nghiệp và PTNT đã kịp thời triển khai những nội dung mang tính ưu tiên, cấp thiết như: Tăng cường nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường thu gom, tái chế chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt, giảm thiểu phát thải nhựa...đạt kết quả tốt giai đoạn 2020-2022. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo chức năng nhiệm vụ triển khai phổ biến đến các địa phương, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp, làng nghề... Các đơn vị chuyên môn đã lồng ghép hoạt động tuyên truyền thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức và người dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” góp phần thiết thực bảo vệ môi trường.
Trong 3 năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức, phối hợp tập huấn, tuyên truyền được trên 50 lớp với hơn 1.500 lượt người tham gia về hướng dẫn sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng cho các xã ở các vùng sản xuất trồng trọt trọng điểm của tỉnh. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các Sở, ngành liên quan đã phối hợp lồng ghép trên 100 lớp với trên 4.000 người dân, hội viên tham gia vận động thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo bền vững. Tuyên truyền lồng ghép trong các hoạt động tổ chức đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên...) bằng nhiều hình thức như: băng rôn, khẩu hiệu, phát thanh, internet...
Hiện toàn tỉnh đang duy trì 1.568 bể chứa bao gói thuốc BVTV; các bể chứa hầu hết ở các khu vực sản xuất trồng trọt tập trung, gần trục giao thông nội đồng và thuận tiện cho người dân thu gom sau khi sử dụng thuốc BVTV; 01 cơ sở lưu chứa bao gói thuốc BVTV (Mai Châu); 01 cơ sở đủ điều kiện xử lý chất thải nguy hại (Lạc Thủy); Số lượng bao gói thuốc BVTV được thu gom khoảng 8.200kg, ước đạt khoảng 20% tổng lượng bao gói thuốc BVTV sử dụng.
Lượng chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt được thu gom, tái sử dụng, tái chế khoảng 800 tấn (chủ yếu là bao bì phân bón, lước cước, màng phủ, túi bầu...). Lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã thu gom vào các bể chứa hàng năm chiếm khoảng 20% tổng bao gói thuốc BVTV toàn tỉnh. Số còn lại hầu hết được người sản xuất gom lại ngay tại đồng ruộng (đặc biệt trên diện tích trồng cây ăn quả, cây rau) và tự tiêu hủy bằng cách đốt. Trong đó, lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã thu gom được ký kết hợp đồng xử lý theo đúng quy định chiếm khoảng 6,8% tổng bao gói thuốc BVTV, tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp sản xuất trồng trọt với quy mô lớn (Công ty TNHH MTV Cao Phong; Công ty TNHH MTV Sông Bôi...). Lượng chất thải nhựa được thu gom chiếm khoảng 40%, một phần được tái chế, tái sử dụng; còn lại chủ yếu được vận chuyển, xử lý cùng với rác thải sinh hoạt.
Tuy nhiên, nhận thức một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp về vấn đề rác thải nhựa còn chưa được coi trọng, vẫn còn tình trạng thực hiện chiếu lệ, đối phó. Kinh phí cho việc vận chuyển, xử lý rác thải nguy hại nói riêng và rác thải nhựa nói chúng còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng nhiều bể chứa quá tải, không có kho lưu chứa... do vậy, người dân phải tự xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt gây ô nhiễm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản, sơ chế, chế biến trên địa bàn phần lớn là cơ sở nhỏ lẻ, phân tán tại các địa bàn, vì vậy hoạt động quản lý gặp nhiều khó khăn.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân "Chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Hoà Bình" gắn với phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở và chương trình xây dựng nông thôn mới; Tiếp tục đôn đốc triển khai quyết liệt Đề án “Thu gom, xử lý bao gói thuốc Bảo vệ thực vật và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Tăng cường công tác tập huấn thông tin, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp; kiểm soát sự phát sinh chất thải theo hướng hạn chế sử dụng ngay từ đầu vào của các quy trình sản xuất; tìm kiếm các mô hình sản xuất sạch, thân thiện môi trường, cải thiện sinh kế và thu hút hoạt động du lịch để tạo giá trị thặng dư cho vùng nông nghiệp, nông thôn; quay vòng tái đầu tư cho cảnh quan và môi trường. Từng bước hình thành thị trường thu gom, trao đổi, thu hồi, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, hình thành các khu vực áp dụng triệt để nguyên lý của nền kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Xã hội hóa, nâng cao vai trò trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, buôn bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp./.