Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 224.122 trẻ em, chiếm 26,24% tổng dân số của tỉnh. Trong đó, 2.327 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 48.283 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Để mọi trẻ em đều được thụ hưởng sự bảo vệ, chăm sóc, phát triển bình đẳng, các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội đã, đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp, chính sách vì cuộc sống, tương lai tốt đẹp cho trẻ.
Công tác bảo vệ trẻ em được lồng ghép với việc theo dõi đánh giá việc thực hiện quyền trẻ em, công tác này được thực hiện ở cả 3 cấp độ: Phòng ngừa, giảm thiểu và trợ giúp. Quan tâm hỗ trợ và trợ giúp, tư vấn số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; tạo cơ hội cho trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất, tâm lý, tình cảm, nhận thức, đạo đức để hình thành nhân cách. Tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em các cấp; tổ chức tập huấn cho 30 cán bộ các Sở, ngành, cán bộ Hội liên hiệp phụ nữ, cán bộ làm công tác trẻ em cấp huyện về kỹ năng truyền thông, quản lý ca, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.
Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em luôn được xác định là ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Các ngành liên quan và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng lưới y tế, tăng cường chất lượng dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trong đó có công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Với mục tiêu nhằm giảm mức suy dinh dưỡng đối với trẻ em, các ngành liên quan và chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, thực hiện các giải pháp như: trang bị kiến thức về dinh dưỡng cho người chăm sóc trẻ, chăm sóc bà mẹ có thai, nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung, theo dõi sự phát triển của trẻ, khám sức khỏe định kỳ thông qua nhà trường, trạm y tế xã, triển khai chương trình sữa học đường, hỗ trợ cân bằng dinh dưỡng,...Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong năm 2019 có nhiều cải thiện đáng kể: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi dưới 5 tuổi là 24%, nhẹ cân dưới 5 tuổi là 16,2%. Tỷ xuất trẻ em tử vong dưới 1 tuổi giảm còn 11,5% trẻ em sơ sinh sống, trẻ em tử vong dưới 5 tuổi giảm còn 13,% trẻ em sơ sinh sống.
Trong công tác giáo dục trẻ em, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã phổ cập giáo dục mầm non cho 15.479 trẻ em dưới 5 tuổi. Tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100% tỷ lệ trẻ em đi học đúng tuổi ở bậc trung học cơ sở là 100%. Bên cạnh đó các hoạt động ngoại khóa về các kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ trẻ em được triển khai liên tục; Kết thúc năm học 2018 - 2019, đã có hơn 98,37% trẻ biết các quy định về an toàn giao thông, kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Mục tiêu chăm lo giáo dục cho mọi trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện có hiệu quả, chủ trương xã hội hoá giáo dục, đa dạng hoá các loại hình trường học được phát động với nhiều phong trào như: “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, “Phổ cập giáo dục tiểu học, trung học đúng độ tuổi”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; “Trường học an toàn”... Bên cạnh đó các hoạt động ngoại khóa về các kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ trẻ em được triển khai liên tục đặc biệt là các nội dung quy định về an toàn giao thông, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng phòng, chống xâm hại hại trẻ em, phòng, tránh tai nạn thương tích,…
Năm 2020, tỉnh Hòa Bình đề ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Kiểm soát và ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục. Tập trung phổ biến, tuyên truyền cho người dân cách phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống của trẻ em giữa các vùng sâu, vùng xa với vùng đô thị. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em tới các cấp, ngành và toàn thể xã hội. Đặc biệt là công tác phòng, chống các nguy cơ gây đuối nước, tai nạn giao thông cho trẻ em. Hướng tới mọi trẻ em nói chung đều được bình đẳng về cơ hội phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện. Riêng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp và chăm sóc kịp thời để có cơ hội phát triển. Nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em./.