DetailController

Giáo dục

Chú trọng xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh

12/05/2020 00:00
Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/4/2017 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT) xác định: Xây dựng XHHT là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục của nước ta. Với chủ trương này, Bộ Chính trị quán triệt sâu sắc tư tưởng của Bác về học tập suốt đời và xây dựng XHHT. Theo đó, nhiệm vụ quan trọng là hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng chuyển dần sang mô hình giáo dục mở - mô hình XHHT, góp phần quan trọng nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực.
Lớp học xóa mù chữ cho người dân xóm Thung Ẳng, xã Hang Kia, huyện Mai Châu

Để mở rộng phong trào học tập, xây dựng xã hội học tập suốt đời, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Tại tỉnh ta, theo ghi nhận từ các địa phương: Đến cuối năm 2019, số lượng các mô hình học tập mở được công nhận trong năm đều vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, toàn tỉnh có 150.208 “gia đình học tập” (đạt tỷ lệ 80,53%, vượt chỉ tiêu 20,53%); 1.225 “dòng họ học tập” (đạt tỷ lệ 55,16%, vượt chỉ tiêu 15,16%). Trong nỗ lực chung, Hội Khuyến học các cấp đã không ngừng lớn mạnh, trở thành hạt nhân cốt lõi phát triển nhiều hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổ chức đã lan tỏa đến hầu khắp các khu dân cư, dòng họ, nhà trường, đơn vị vũ trang, cơ quan, doanh nghiệp. Toàn tỉnh đang duy trì 100% xóm, bản, tổ dân phố có Chi hội Khuyến học với tổng số 1.507 chi hội; tổng số Ban Khuyến học là 1.491 ban. Tại thời điểm cuối năm 2019, số hội viên Hội Khuyến học là 210.732 hội viên, chiếm 24,6% tổng dân số toàn tỉnh. Ngoài ra, hệ thống các trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn không ngừng được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động; đến nay toàn tỉnh 1.310 “cộng đồng học tập” cấp thôn (đạt tỷ lệ 85,79%, vượt chỉ tiêu 35,79%; số “đơn vị học tập” do cấp xã quản lý cũng vượt cao 39,7% so với chỉ tiêu đề ra với 626 đơn vị (đạt tỷ lệ 79,7%). Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người được học, nhất là lực lượng lao động ở nông thôn, phụ nữ và những người có hoàn cảnh khó khăn với phương châm “cần gì học nấy”, “Toàn dân học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời”.

Cùng với đó, công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục được quan tâm. Tỷ lệ người trong độ tuổi 15-60 biết chữ mức độ 1 đạt 99,65%; biết chữ mức độ 2 đạt 97,68%; tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 đến 35 biết chữ mức độ 1 đạt 99,92%. 11/11 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học và trung học cơ sở đạt 100%; 80% trẻ em khuyết tật trong độ tuổi tiểu học được đi học.

Hiện toàn tỉnh có 87,2% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ tin học A trở lên; 22,3% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2; 1,9% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ ngoại ngữ bậc 3. Tỉnh đầu tư quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề cho người lao động để có hiệu quả lao động cao hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Tới nay 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh và cấp huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định; có 100% cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định; 100% cán bộ, công chức thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc hàng năm; 100% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý điều hành theo vị trí công việc và thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm; 97% cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn chuẩn quy định. Đối với lao động nông thôn, có 67,9% người lao động nông thôn tham gia học tập kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất tại các trung tâm học tập cộng đồng. Đối với công nhân lao động có 90,2% công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có trình độ học vấn THPT hoặc tương đương; 75,2% công nhân có tay nghề cao ở các ngành kinh tế mũi nhọn, 93,1% công nhân qua đào tạo nghề.

Công tác xây dựng nông thôn mới lĩnh vực giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 52/191 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học, đạt 27,2%, có 190/191 xã dạt tiêu chí số 14 về giáo dục, đạt 99,5%.

Những kết quả nổi bật trên đã khẳng định sự quan tâm của tỉnh, thay đổi tích cực của nền giáo dục khi thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Công tác khuyến học đang tạo thêm động lực để toàn tỉnh thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hướng tới xây dựng một nền “văn hóa học tập” với những giá trị tốt đẹp và bền vững trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Hòa Bình./.