DetailController

Tin từ các đơn vị

Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của các địa phương trên địa bàn tỉnh

19/08/2022 00:00
Những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh Hòa Bình đã được tập trung đầu tư và có nhiều khởi sắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đăng ký đầu tư kinh doanh tại tỉnh. Các địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung phát triển những sản phẩm du lịch mới, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, và liên kết du lịch.
Du khách tham quan, trải nghiệm nghề Dệt thổ cẩm tại xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu

Theo thống kê, tỉnh Hòa Bình có 101 di tích được xếp hạng; trên 30 khu, điểm du lịch, trong đó, đã công nhận 9 điểm du lịch địa phương và 1 khu du lịch cấp tỉnh. Đây là tiềm năng lớn để ngành Du lịch từng bước đầu tư khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cùng với hệ thống cơ sở lưu trú hiện có, tỉnh Hòa Bình cũng đang tập trung ưu tiên cho một số tập đoàn lớn như Sungroup, Tân Hoàng Minh nghiên cứu, khảo sát lập các dự án quy mô lớn, chất lượng cao tại khu du lịch hồ Hòa Bình và huyện Kim Bôi, Lạc Sơn theo quy hoạch.

Trong điều kiện bình thường mới sau dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch tỉnh đã chủ động cơ cấu lại sản phẩm du lịch, tập trung vào việc thu hút khách nội địa như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cuối tuần, du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch gắn với làng nghề và sản phẩm OCOP, trải nghiệm văn hóa theo các nhóm nhỏ, gia đình; các sản phẩm tour du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao đang là phân khúc thị trường được khách hành quan tâm và sử dụng khi đến với du lịch Hòa Bình. Các địa phương tiếp tục đầu tư hoàn thiện sản phẩm du lịch ven hồ Hòa Bình, từng bước đưa vào khai thác tuyến đi bộ, đạp xe quanh hồ; sản phẩm du lịch và tuyến du lịch trải nghiệm Hồ Hòa Bình thuộc địa bàn thành phố Hòa Bình, xây dựng phương án và đề xuất chủ trương đầu tư dự án bảo tồn văn hóa truyền thông và phát triển điểm du lịch cộng đồng bản Bích Trụ, xã Hòa Bình, TP Hòa Bình. Bên cạnh đó, các huyện trọng tâm về du lịch tâm linh (Lạc Thủy, Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc) đã khôi phục và duy trì tốt các hoạt động tại các khu, điểm di tích, điểm thờ tự; các huyện: Lạc Sơn, Tân Lạc, Mai Châu đã lựa chọn ngành nghề truyền thống để bảo tồn và tạo ra các sản phẩm phục vụ cho phát triển du lịch. Ngoài ra, tỉnh đã phối hợp với các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu triển khai các sản phẩm du lịch trên sông Đà để kết nối tuyến du lịch đường bộ, đường thủy. Tỉnh đã tập trung triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” lựa chọn những điểm du lịch cộng đồng, các sản phẩm hàng lưu niệm để đầu tư nâng cấp, xây dựng thương hiệu sản phẩm phục vụ khách du lịch. Lập hồ sơ xếp hạng các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh để tu bổ, tôn tạo thành các điểm tham quan du lịch; xây dựng làng nghề để phát triển các sản phẩm quàn lưu niệm phục vụ du khách.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã mở rộng liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch có tiềm năng như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch khi đến Hòa Bình. Trong 6 tháng đầu năm, một số cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn mới được đưa vào khai thác như: Khách sạn Sộ, khách sạn Bình Anh (TP Hòa Bình), làng Kayaking (huyện Cao Phong).