DetailController

Thời sự trong ngày

Chú trọng phát triển ngành Chế biến và thương mại lâm sản

13/04/2023 14:57
Thời gian qua, thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, dự án quan trọng về bảo vệ, phát triển rừng, ngành Lâm nghiệp tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Sự phát triển của Ngành Lâm nghiệp là điều kiện cần thiết cho ngành Chế biến và thương mại lâm sản. Các sản phẩm từ gỗ như: Đồ mộc, ván ép, bột giấy, đũa, mành... đáp ứng nhu cầu ngày càng của thị trường, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Toàn tỉnh hiện có 211 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản với tổng giá trị sản phẩm đạt 1.625 tỷ đồng/năm.

Tỉnh Hòa Bình có diện tích rừng trồng hơn 95.000 ha, chiếm hơn 40% diện tích có rừng của tỉnh. Sản lượng gỗ khai thác hằng năm của tỉnh trung bình khoảng 485.000 m3. Đây là nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định cho các cơ sở chế biến lâm sản, góp phần giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập người dân và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Các cơ sở chế biến chấp hành tốt quy định về hồ sơ lâm sản hợp pháp, về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản... Toàn tỉnh hiện có 211 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản, gồm: 48 doanh nghiệp và 163 cơ sở hộ gia đình, cá nhân. Trung bình mỗi năm các cơ sở sản xuất được 16.344 m3 đồ mộc; 161.382 tấn dăm băm ; 149.199 m3ván ép; 3.000 tấn bột giấy; 53.370 tấn ván bóc và 59.130 tấn các sản phẩm khác (Đũa, tăm mành).

Mặc dù 2 năm vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, những ngành Chế biến gỗ tiếp tục duy trì tăng trưởng. Tổng giá trị sản phẩm sản xuất trung bình đạt 1.625 tỷ đồng/năm. Trong đó, các sản phẩm tiêu thụ nội địa trung bình đạt 868 tỷ đồng/năm; thị trường xuất khẩu trung bình đạt 757 tỷ đồng/năm. Các doanh nghiệp trong nước vừa thực hiện xuất khẩu trực tiếp tại thị trường các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Canada (đạt 717 tỷ đồng/năm), vừa thực hiện xuất khẩu gián tiếp qua nhiều nước khác (đạt 40 tỷ đồng/năm).

Tuy nhiên, cùng với các cơ hội và thuận lợi nêu trên, ngành gỗ đã, đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, như: Sự gia tăng cạnh tranh về giá cả, mẫu mã, chất lượng, đầu tư khoa học công nghệ, tính liên kết, hợp tác trong xây dựng chuỗi sản phẩm…

Do đó, trong thời gian tới, ngành Lâm nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai một số giải pháp nhằm thúc đẩy chế biến và thương mại các sản phẩm lâm sản. Trong đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh khai thác tối ưu thị trường; làm tốt công tác quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến gỗ, đồng thời tăng cường trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ; các địa phương xây dựng kế hoạch, định hướng xuất khẩu phù hợp và cụ thể đối với những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh trên địa; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí, giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh./.