DetailController

Giáo dục

Chú trọng phát triển giáo dục dân tộc và vùng khó khăn

11/01/2016 00:00
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh nói chung, quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn của tỉnh nói riêng luôn được các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội quan tâm. Cơ chế, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường chuyên biệt thuộc vùng dân tộc thiểu số, chế độ đối với học sinh dân tộc thiểu số luôn được quan tâm đúng mức, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh yên tâm công tác và học tập.
Các trường học vùng khó khăn của tỉnh được đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh dân tộc thiểu số học tập, phát triển

Theo số liệu thống kê, hiện nay, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 72,27% dân số toàn tỉnh. Thực hiện Chương trình 135, năm 2015, toàn tỉnh đã đầu tư 116, 8 tỷ đồng xây dựng 267 công trình cho các xóm, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào, dân tộc thiểu số. Trong đó, có 17 trường học và hạng mục phụ trợ. Tạo điều kiện cho con em học sinh dân tộc được học tập, sinh hoạt với điều kiện tốt nhất. Toàn tỉnh đã xây dựng được 10 trường PTDT nội trú THCS cấp huyện với 2.297 học sinh và 1 trường DTNT THPT cấp tỉnh với 650 học sinh; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được học trong các trường DTNT chiếm 5,9% học sinh dân tộc thiểu số toàn tỉnh.

Những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển giáo dục miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh đưa mục tiêu phát triển các trường dạy nghề, các Trung tâm giáo dục thường xuyên đã phát triển theo hướng đa ngành, đa nghề; đào tạo nhiều cấp trình độ. Qui mô trường lớp cho con em đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm phát triển. Chất lượng giáo dục dân tộc chuyển biến tích cực cả quy mô và chất lượng giáo dục. Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2015 - 2020 là phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng giáo dục vùng đồng bào, dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tiếp tục thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu tiên, miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh dân tộc.

Mục tiêu chung là giảm sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa vùng đồng bào dân tộc và vùng thuận lợi trong tỉnh; củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp, các trường phổ thông dân tộc nội trú. Tỉnh ta đã đặt ra những mục tiêu cụ thể như: 100% các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều có trường PT DTNT; đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 100% giáo viên các cấp đạt chuẩn, riêng giáo viên các trường PT DTNT THCS trên chuẩn đạt 70,5%.

Về việc phát triển mạng lưới trường, lớp cho học sinh dân tộc thiểu số phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thiện và thành lập mới: Trường Phổ thông DTNT THPT B tại huyện Lạc Sơn, trường PT DTNT THCS B huyện Lạc Sơn, trường PT DTNT THCS B huyện Kim Bôi, trường PT DTNT THCS huyện Lương Sơn và trường PT DTNT THCS huyện Kỳ Sơn. 100% trường PT DTNT sẽ được mở rộng vật chất và tăng qui mô tuyển sinh; chuyển đổi 5 trường Tiểu học và THCS vùng khó khăn thành trường PTDT bán trú; đảm bảo 100% các trường vùng khó khăn có nhà ở bán trú cho học sinh. 100%  trường mầm non vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn có đủ bộ thiết bị đồ chơi ngoài trời, thiết bị dùng chung.

Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất cho giáo dục, dân tộc thiểu số, tỉnh chủ trương tập trung tuyên truyền, nâng cao dân trí, phát triển nhân lực. Đặc biệt, chăm lo phát triển đào tạo nguồn cán bộ con em dân tộc thông qua biện pháp ưu tiên tuyển dụng học sinh cử tuyển, có chế độ ưu tiên cho cán bộ công tác tại các huyện, xã. Tăng chỉ tiêu đào tạo trung cấp tại tỉnh cho các ngành nông, lâm nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế, trồng và phát triển rừng để đáp ứng nhu cầu thực tế. Thực hiện tốt hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh bậc Trung học, đặc biệt đối với học sinh dân tộc thiểu số học tại các trường PT DTNT. Cần tiếp tục thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu tiên, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, tín dụng cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số./.