DetailController

Tin từ các đơn vị

Chú trọng phát triển doanh nghiệp và hộ kinh doanh tạo sức bật cho nền kinh tế

29/12/2022 00:00
Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đặc biệt quan tâm, chú trọng ban hành, thực thi các cơ chế, chính sách thông thoáng phù hợp với quy định của pháp luật tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp vào đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh. Nổi bật là chính sách về đất đai, thuế, tạo nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng tại các KCN, đề ra và thực hiện tốt cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhờ đó, tỉnh đã thu hút được những doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cả trong và ngoài nước, là nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả góp phần đáng kể giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương

Tính hết năm 2021, tỉnh có 2.110 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, tăng 10,53%; số lao động làm việc trong các doanh nghiệp có 60.052 lao động, tăng 21,52% so với năm 2020. Giai đoạn 2016 – 2020, bình quân mỗi năm số doanh nghiệp tăng 4,27%, số lao động tăng 2,06%.

Phân theo loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp nhà nước có 07 đơn vị, DN ngoài nhà nước có 2.069 đơn vị, chiếm 98,06%; DN có vốn đầu tư nước ngoài 32 đơn vị, chiếm 1,61%. Về phân bổ lao động, lao động khu vực DNNN là 545 lao động, chiếm 0,91%; lao động trong khu vực DN ngoài nhà nước là chủ yếu với 39.468 lao động, chiếm 65,72%; doanh nghiệp FDI có 20.039 lao động, chiếm 33,37%.

Phân theo khu vực kinh tế, DN hoạt động trong khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 47,35%; khu vực dịch vụ chiếm 48,15%; nông nghiệp chiếm 4,5%.

Theo thống kê sơ bộ, tổng nguồn vốn của DN toàn tỉnh tới hết năm 2022 là trên 109 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, DN trên địa bàn chủ yếu là DN siêu nhỏ và nhỏ với 1.943 DN, chiềm 92,09%; DN có quy mô vừa chiếm 4,03%, DN có quy mô lớn chiếm 3,89%. Tổng doanh thu thuần của các DN toàn tỉnh là trên 48 nghìn tỷ đồng, doanh thu bình quân của 01 DN là trên 27 tỷ đồng/DN. DN hoạt động có lãi là 961 DN, chiếm 45%; còn lại 44% hoạt động không có lãi, 10% DN hoạt động không lãi, không lỗ.

Cùng với đó, trong giai đoạn 2016 – 2020, số lượng cơ sở và lao động trong các cơ sở kinh tế có xu hướng tăng lên. Các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể góp phần đáng kể giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Năm 2022, số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể là trên 36.400, tăng 5,6% so với năm 2021; với tổng số lao động là 56 nghìn người, tăng 12,7% so với năm 2021. Ngành sản xuất kinh doanh chủ yếu là lĩnh vực dịch vụ, chiếm 81,67%. Doanh thu bình quân 1 cơ sở trên địa bàn là 467 triệu đồng/cơ sở. Mật độ cơ sở kinh doanh cá thể tập trung đông ở khu vực thành thị, khu đông dân cư, tại địa bàn thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn, Lạc Thủy.

Tuy nhiên thực trạng hiện nay, một số dự án còn chậm triển khai, không triển khai. Giá trị gia tăng trong sản phẩm của các DN trong KCN chưa cao. Mức độ đóng góp ngân sách của các dự án vẫn ở mức trung bình của cả nước. Thu nhập của người lao động làm việc trong KCN chưa cao, mới đạt khoảng 4- 5 triệu đồng/tháng. Tốc độ tăng số lượng cơ sở kinh tế chậm, có xu hướng chững lại trong khoảng 3 năm gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh tác động tới nền kinh tế. Tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp của tỉnh còn thấp so với trung bình cả nước và của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Quy mô của cơ sở kinh tế của tỉnh còn nhỏ, chủ yếu là DN siêu nhỏ và nhỏ; kết quả sản xuất kinh doanh chưa cao; DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Mặt khác, thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra của DN còn gặp nhiều khó khăn; liên kết tiêu thụ sản phẩm cho DN còn yếu…

Để quản lý, khai thác, phát huy tối đa khả năng của các DN, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh cá thể hoạt động tốt, tạo đà vững chắc cho nền kinh tế cần những giải pháp mang tính chiến lược, linh hoạt. Trong giai đoạn từ nay tới năm 2025, định hướng đến năm 2035 tỉnh cần tiếp tục có thêm các cơ chế, chính sách mở cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh. Chuẩn bị hạ tầng cơ sở tốt để thu hút đầu tư. Thường xuyên rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, kiên quyết chấm dứt đầu tư đối với các dự án kém hiệu quả, thiếu tính khả quan để tập trung ưu tiên đầu tư cho các dự án khác. Thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, chủ động tháo gỡ khó khăn cho DN, hộ sản xuất kinh doanh. Đảm bảo quyền tự do kinh doanh của cá nhân theo đúng quy định của pháp luật. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giảm chi phí tuân thủ, chi phí không chính thức. Tạo bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt đất đai, vốn. Chủ động liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho DN để họ yên tâm sản xuất./.