Từ thực trạng nhân lực của tỉnh…
Thực tế những năm qua trong cơ cấu lao động của tỉnh có sự chuyển biến giữa các nhóm ngành nghề. Lao động khu vực nông lâm thủy sản vẫn tăng về giá trị tuyệt đối, tuy nhiên trong cơ cấu lao động tỷ trọng lao động trong khu vực nông lâm thủy sản đã giảm, nhưng vẫn còn khá cao. Lao động trong khu vực dịch vụ, công nghiệp – xây dựng có mức tăng trưởng cả về số lượng tuyệt đối và tỷ trọng trong cơ cấu lao động, nhất là khu vực công nghiệp – xây dựng, nhưng tỷ trọng vẫn còn rất thấp. Năm 2010, tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân là 481.607 người, lao động được phân bổ trong 3 khu vực là Nông, lâm nghiệp và thủy sản là 356.996 người chiếm tỷ trọng là 74,1%, công nghiệp – xây dựng là 46.683 người chiếm tỷ trọng 9,7% và dịch vụ là 77.928 người chiếm 16,2%.
Những thành tựu về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục sau những năm đổi mới đã có tác dụng tích cực đến việc đào tạo nguồn nhân lực. Công tác đào tạo nguồn nhân lực và phát triển dạy nghề đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm, triển khai khá đồng bộ. Quy mô giáo dục – đào tạo và dạy nghề tiếp tục được đầu tư và phát triển ở tất các cấp học, ngành học. Mạng lưới trường lớp được quy hoạch, xây dựng và phân bố phù hợp, tương đối đều khắp các địa phương. Với việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng lớn mạnh về mọi mặt bước đầu đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Hiện nay toàn tỉnh có 220 trường Mầm non, 219 trường Tiều học, 19 trường Phổ thông cơ sở, 210 trường Trung học cơ sở, 38 trường Trung học phổ thông, 11 trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, thành phố, 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh, 1 Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp – Hướng nghiệp, 1 Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học, 210 Trung tâm học tập cộng đồng, 27 cơ sở dạy nghề. Các cơ sở đào tạo cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề có bước phát triển lớn cả về số lượng trường lớp và quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề ngày càng đa dạng và phong phú theo nhu cầu của xã hội. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 5 trường cao đẳng, trong đó có 2 trường cao đẳng chuyên nghiệp và 3 trường Cao đẳng nghề, 1 trường Trung cấp nghề, 14 trung tâm dạy nghề, 1 trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm, 8 cơ sở đào tạo khác có đăng ký hoạt động dạy nghề, 3 trường trung cấp chuyên nghiệp trong đó có 1 trường Chính trị tỉnh.
Số lượng lao động được đào tạo ngày một tăng. Giai đoạn 2006 – 2010 đào tạo 83.236 lao động, trong đó trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, công nhân kỹ thuật là 19.038 người đạt 22,9%, sơ cấp nghề và đào tạo ngắn hạn là 40.959 người đạt 49,2%, trung cấp chuyên nghiệp là 18.775 người chiếm 22,6%, cao đẳng, đại học và trên đại học là 4.464 người chiếm 5,4%. Kết quả trên đã nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 20,4% năm 2005 lên 36,9% năm 2010, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 15,4% năm 2005 lên 27,3% năm 2010
Tuy nhiên bên cạnh đó thì nhân lực của tỉnh Hòa Bình còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Cơ cấu lao động trong các ngành nghề còn chưa cân đối, lao động trong lĩnh vực nông, lâm thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng cao, số lượng lao động có tay nghề cao còn thiếu, các cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới, ở cấp xã thì trong tổng số 1.766 công chức cấp xã thì còn 511 người chưa qua đào tạo, chiếm 28,9% và trong tổng số 2150 cán bộ chuyên trách cấp xã thì có tới 1142 người chưa qua đào tạo, chiếm 53,1%....
Những bước đi tiếp theo…
Trong thời gian tới với mục tiêu phát triển nhân lực của tỉnh gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế, phấn đấu kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh có trình độ phát triển ở mức trung bình của cả nước, có kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội từng bước hiện đại, hệ thống tương đối phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, môi trường được giữ vững, bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc được bảo tồn và phát huy…
Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề rộng khắp toàn tỉnh, đa dạng các hình thức dạy nghề, tạo điều kiện cho người lao động, thanh niên, nông dân, người dân tộc thiểu số được học nghề, lập nghiệp. Đồng thời mở rộng quy mô là nâng cao chất lượng dạy nghề, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và những tiến bộ về kỹ thuật, công nghệ và điều quan trọng nhất cần thực hiện xã hội hóa dạy nghề, khuyên khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư cho dạy nghề, phát triển các cơ sở dạy nghề tư thục và cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng hội nhập quốc tế và dạy nghề.
Cụ thể: Mỗi năm tạo việc làm bình quân cho 20 nghìn lao động giai đoạn 2011 – 2015 và 22 nghìn lao động cho giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45% đến năm 2015 và đạt 65% đến năm 2020. Năm 2015, phấn đấu đạt 100 sinh viên ĐH, CĐ / 10.000 dân, 100% cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đạt tiêu chuẩn theo quy định và tiếp tục nâng cấp hệ thống giáo dục, đào tạo trong tỉnh. Đến năm 2020, tạo sự chuyển biến căn bản và toàn diện về nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của quá trình đô thị hóa, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và phấn đấu 150 sinh viên CĐ, ĐH/ 10.000 dân.
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình, tỉnh sẽ triển khai các giải pháp như: Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của toàn xã hội về phát triển nhân lực. Đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực, chú trọng đào tạo và bồi dưỡng nhân lực, giải pháp huy động các nguồn lực cho phát triển nhân lực, giải pháp về việc làm, thị trường lao động, điều kiện làm việc cho nhân lực, nâng cao thể lực, kỹ năng nhân lực. Tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức trung ương, giữa các tỉnh, thành phố, mở rộng hợp tác quốc tế về phát triển nhân lực và cuối cùng là ưu tiên các dự án, chương trình, chính sách đào tạo nhân lực trong thời gian tới
Tất cả những mục tiêu, giải pháp đó nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương và đáp ứng mục tiêu chung của cả nước, phục vụ quá trình Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước.