DetailController

Thời sự trong ngày

Chú trọng công tác quản lý và phát triển cụm công nghiệp

21/03/2023 17:30
Phát triển các cụm công nghiệp (CCN) có ý nghĩa quan trọng trong phát triển sản xuất công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Công Thương luôn chú trọng công tác quản lý và phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh.
Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong CCN đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương

Trên cơ sở Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 về quản lý, phát triển CCN (Nghị định 68) và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68 đã tạo hành lang pháp lý, chính sách quản lý, phát triển CCN thống nhất, rõ ràng từ công tác quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất, kinh doanh trong CCN. Từ đó, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý CCN trên địa bàn tỉnh, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trong thực hiện quản lý nhà nước về CCN. Qua đó, hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư đồng bộ, tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh. Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vào các CCN, Sở Công Thương chú trọng làm tốt công tác cung cấp thông tin quy hoạch, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, đồng thời tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư và chọn lọc thu hút các dự án đầu tư chất lượng, có tính bền vững. Hiện trên địa bàn tỉnh có 16/21 CCN đã được UBND tỉnh quyết định thành lập với diện tích là 683,225ha. Trong đó có 07 CCN tại thành phố Hòa Bình và các huyện: Lương Sơn, Lạc Thủy, Tân Lạc và Mai Châu (gồm các CCN: Tiên Tiến, Xóm Rụt, Đồng Tâm, Phú Thành II, Thanh Nông, Đông Lai - Thanh Hối và Chiềng Châu) đã đi vào hoạt động, thu hút 33 dự án thứ cấp đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng số vốn là 3.007,2 tỷ đồng. Các dự án đầu tư tại các CCN làm tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo thêm việc làm, thu hút lao động và đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai công tác quản lý và phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình gặp một số khó khăn vướng mắc như: Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư còn gặp nhiều vướng mắc. Thời gian để nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục như đất đai, xây dựng, môi trường… sau khi được UBND tỉnh quyết định giao chủ đầu tư để tiến hành xây dựng kéo dài làm ảnh hưởng đến công tác thu hút các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư hoạt động sản xuất trong CCN. Hầu hết các CCN không có quy hoạch khu tái định cư cho người dân khi bị thu hồi đất phục vụ phát triển công nghiệp, không có quy hoạch hạ tầng xã hội như: dành quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, nhà văn hóa, nhà trẻ và các công trình phụ trợ đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu cho công nhân, lao động trong các CCN.

Để thúc đẩy phát triển CCN trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Sở Công Thương đã đề ra một số giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí tầm quan trọng và lợi ích lâu dài của việc phát triển CCN, yếu tố quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh. Tăng cường công tác rà soát các quy định của pháp luật về đất đai; chính sách đất đai; chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng; giá thuê đất... để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn; tiếp tục hoàn thiện các văn bản triển khai, hướng dẫn chỉ đạo của địa phương về đất đai cho các tổ chức cá nhân tìm hiểu đầu tư trên địa bàn; nghiên cứu, đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách, giải pháp và tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng tại các CCN. Nâng cao năng lực và đổi mới, đa dạng các hình thức, hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào ngành, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Chủ động, trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp, nhà đầu tư để kêu gọi thu hút đầu tư vào địa bàn; tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, hiệu quả đầu tư. Tăng cường công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm tại các doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống quản lý môi trường cho CCN; hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường hoặc di dời các dự án bên ngoài có khả năng phát sinh ô nhiễm vào các CCN để thuận lợi trong công tác quản lý môi trường; ưu tiên các dự án có công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ cao, không hoặc ít gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất sạch hơn, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.