DetailController

Khoa học - Môi trường

Chú trọng chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn

31/10/2011 00:00
Trong 19 tiêu chí để XDNTM, có 2 tiêu chí trở thành hai vấn đề khó xuất hiện đầu tiên, đó là chuyển dịch cơ cấu lao động và thu nhập của người dân.
Nhà máy gạch tuynen Lạc Sơn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 200 lao động nông thôn huyện Lạc Sơn.

Chuyển đổi cơ cấu lao động chính là người nông dân tự đào tạo mình để không là nông dân thuần nông mà hướng đến làm các ngành nghề phụ, làm dịch vụ, thủ công cũng có nghĩa là tìm con đường “ly nông nhưng không ly hương”. Tuy nhiên một khi không có vốn, không có nghề, người nông dân không có hy vọng gì hơn là làm sao không bị đói nhờ vào mấy trăm mét vuông đất đã là hạnh phúc. Cán bộ đi đầu trong học hỏi, ứng dụng các mô hình mới và một khi cán bộ thực hiện thành công, người dân sẽ làm theo. Việc hạ thấp tỷ lệ lao động nông nghiệp không chỉ là con số đơn thuần mà thể hiện cơ cấu ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, mức thu nhập thực tế của nông dân là phản ánh thực chất của cơ cấu sản xuất đó. Vì vậy, để hạ tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 60% theo bộ tiêu chí NTM cũng có nghĩa là xã phải tổ chức lại sản xuất, tạo thêm ngành nghề; đặc biệt là nghề thủ công, TTCN, chế biến nông sản làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ để tạo ra việc làm phi nông nghiệp cho 40% nông dân. Thực tế, để giảm lao động nông nghiệp đã có những địa phương kêu gọi, thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp với cơ chế dễ dãi. Theo đó, có những cánh đồng là “bờ xôi, ruộng mật” bị biến thành những xí nghiệp may gia công với mức lương thấp hoặc những cơ sở chế biến gia công gây ô nhiễm, thậm chí còn bị bỏ hoang do doanh nghiệp đầu tư kiểu “xí phần”. XDNTM không phải là bằng mọi cách lôi kéo các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp để tăng thu nhập và hạ thấp tỷ lệ lao động nông nghiệp mà cần phải phát huy lợi thế về đất đai, núi đồi để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững. Hạ thấp tỷ lệ lao động nông nghiệp là khâu có ý nghĩa quyết định trong quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, thay đổi phong tục, tập quán làm ăn, có tác động lớn hoặc là quan hệ nhân quả với thu nhập, mức sống của người dân, đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp và là mấu chốt của XDNTM. Đạt được tiêu chí hạ thấp tỷ lệ lao động nông nghiệp là giải quyết được vấn đề nâng cao thu nhập cho người dân. Việc kéo các nhà đầu tư vào sản xuất công nghiệp về làng là hy vọng và mơ ước của không ít địa phương. Tuy nhiên, những dự án này không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả như mong muốn, chưa kể những tác động tiêu cực lâu dài về môi trường, đất đai. Do vậy, vấn đề hạ thấp tỷ lệ lao động nông nghiệp rất cần có hoạch định tổng thể và dài hạn, không thể nóng vội bằng cách thu hút cho được các ngành nghề sản xuất phi nông nghiệp mà không tận dụng được lợi thế từ điều kiện tự nhiên của địa phương cũng như nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp. Để có giải pháp cụ thể để giải quyết “cái khó” của hai vấn đề nêu trên thực không đơn giản.

 

ông Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Sở NN &PTNT nhận xét: XDNTM không thể thực hiện trong thời gian ngắn, cũng không phải có kinh phí là thành NTM. Cần tổ chức đào tạo ngành nghề, nâng cao dân trí và chất lượng lao động, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 60% vào năm 2015. Đó có thể là hướng đi có tính khả thi vì gắn bó chặt chẽ với chiến lược phát triển nguồn nhân lực.