DetailController

Khoa học - Môi trường

Chú trọng bảo vệ môi trường nông thôn, thực hiện nếp sống văn minh

09/01/2023 00:00
Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn, làng nghề đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo. Quá trình triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn, làng nghề đã đạt được kết quả tích cực. Các hộ gia đình, cụm dân cư ở các thôn, bản đã hình thành phong trào xây dựng nếp sống hợp vệ sinh, bố trí chuồng trại chăn nuôi gia súc xa nhà ở, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; nhiều tập quán lạc hậu, nếp sống không văn minh ảnh hưởng đến môi trường đã được xóa bỏ.
Tiếp tục triển khai mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh” tại các địa phương

Thời gian qua, các phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh”, mô hình “Gia đình 5 không 3 sạch”, “đoạn đường tự quản”, “Hàng rào xanh”, “Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường”, “Ngày Trái đất”, “Ngày môi trường thế giới 5 tháng 6 hằng năm”... được tích cực triển khai. Các địa phương vận động nhân dân thực hiện vệ sinh đường làng, ngõ xóm, vận động các hộ gia đình cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ.. .ở các địa phương được thực hiện rộng rãi. Việc bảo vệ môi trường nông thôn thông qua thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên toàn địa bàn tỉnh. Tiêu chí về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong các tiêu chí bắt buộc các xã phải thực hiện và hoàn thành để được công nhận xã “Đạt chuẩn nông thôn mới”. Năm 2020, có 75/131 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt 57,3%; năm 2021 có 81/129 xã đạt tiêu chí Môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt 62,8% (có 02 xã Trung Minh và Sủ Ngòi lên phường).

Bên cạnh đó công tác thu gom, xử lý rác thải, chất thải rắn trong sản xuất nông nghiệp tại địa bàn nông thôn cũng được chú trọng thực hiện từng bước đạt hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 1.537 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật (gồm 800 bể chứa cũ và 737 bể chứa trang bị mới năm 2020); hầu hết các bể chứa được lắp đặt, xây dựng ở các khu vực sản xuất trồng trọt tập trung, gần trục giao thông nội đồng và thuận tiện cho người dân khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Số lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đã thu gom vào các bể chứa hàng năm chiếm khoảng 15% tổng số lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật toàn tỉnh; số còn lại hầu hết được người sản xuất gom lại ngay tại cơ sở sản xuất (đặc biệt trên diện tích trồng cây ăn quả, cây rau) và đốt tiêu hủy.

Việc thu gom và xử lý các loại bao gói trong chăn nuôi (bao bì thức ăn chăn nuôi, vỏ bao thuốc thú y) từ các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi được thực hiện theo quy định; các cơ sở chăn nuôi lớn đều có kho chứa chất thải nguy hại và có hợp đồng xử lý chất thải nguy hại với các đơn vị thu gom xử lý chất thải. Thực hiện phân loại các chất thải tại nguồn, nhất là rác thải sinh hoạt. Tăng cường năng lực thu gom, thúc đẩy tái sử dụng, tải chế chất thải, hạn chế tối đa việc chôn lấp rác thải.

Thời gian tới, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phồ biến và thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 257-KH/TU, ngày 31/12/2019 thực hiện Kết luận số 56- KL/TW, ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và các văn bản pháp luật, các Chương trình, Kế hoạch, Chỉ thị của UBND tỉnh về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền thông qua xây dựng mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu hoàn chỉnh tại các địa phương (như các mô hình ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ tái tạo, sử dụng năng lượng sạch, thích ứng với biên đổi khí hậu và ít phát thải khí nhà kính, mô hình cộng đồng thích ứng với biên đổi khí hậu, mô hình cộng đồng ít phát thải khí nhà kính, mô hình tái chế, tái sử dụng chất thải, đặc biệt phát triển mạnh “mô hình nông nghiệp sinh thái - tương hợp năng lượng” để nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó cộng đồng tự thay đổi nhận thức và thấy rõ thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường là sở thích tự nhiên, ăn sâu vào nếp sống mỗi người dân./.