DetailController

Tin từ các đơn vị

Chú trọng bảo vệ môi trường nông thôn

01/11/2022 00:00
Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn, làng nghề đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo. Trong đó trọng điểm là các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, khu vực chăn nuôi tập trung. Quá trình triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn, làng nghề đã đạt được những kết quả tích cực.
Chương trình ra quân hưởng ứng phong trào trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu      

Về cơ bản các hộ gia đình, cụm dân cư ở các thôn, bản đã  hình thành phong trào xây dựng nếp sống hợp vệ sinh, bố trí chuồng trại chăn nuôi  gia súc xa nhà ở, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; nhiều tập quán lạc hậu, nếp sống  không văn minh ảnh hưởng đến môi trường đã được xóa bỏ. Các phong trào “Nhà  sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh”, mô hình “Gia đình 5  không 3 sạch”, “đoạn đường tự quản”, “Hàng rào xanh”, “Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường”, “Ngày Trái đất”, “Ngày môi trường thế giới 5 tháng 6 hàng năm”... Hướng dẫn các địa phương vận động nhân dân  thực hiện vệ sinh đường làng, ngõ xóm, vận động các hộ gia đình cải tạo vườn,  chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ…ở các địa phương được thực hiện rộng rãi.  

Đặc biệt, việc chú trọng bảo vệ môi trường nông thôn thông qua thực hiện Chương trình  mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên toàn địa bàn tỉnh Hòa Bình. Tiêu  chí về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong các tiêu chí bắt buộc  các xã phải thực hiện và hoàn thành để được công nhận xã “Đạt chuẩn nông thôn  mới”. Kết quả ra soát các năm về thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn vệ sinh  thực phẩm như sau: Năm 2020 có 75/131 xã đạt tiêu chí Môi trường  và an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt 57,3%. Năm 2021có 81/129 xã đạt tiêu chí Môi trường  và an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt 62,8%.

Bên cạnh đó công tác thu gom, xử lý rác thải, chất thải rắn trong sản xuất  nông nghiệp tại địa bàn nông thôn cũng được trú trọng thực hiện từng bước đạt  hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 1.537 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật (gồm  800 bể chứa cũ và 737 bể chứa trang bị mới năm 2020). Hầu hết các bể chứa được lắp đặt, xây dựng ở các khu vực sản xuất trồng trọt tập trung, gần trục giao thông  nội đồng và thuận tiện cho người dân khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Số lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đã thu gom vào các bể chứa hàng năm  chiếm khoảng 15% tổng số lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật toàn tỉnh. Số còn lại hầu hết được người sản xuất gom lại ngay tại cơ sở sản xuất (đặc biệt trên diện  tích trồng cây ăn quả, cây rau) và đốt tiêu hủy. 

Việc thu gom và xử lý các loại bao gói trong chăn nuôi (bao bì thức ăn chăn  nuôi, vỏ bao thuốc thú y) từ các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi được thực hiện  theo quy định; các cơ sở chăn nuôi lớn đều có kho chứa chất thải nguy hại và có hợp đồng xử lý chất thải nguy hại với các đơn vị thu gom xử lý chất thải. 

Tuy nhiên, hiện nay môi trường nông nghiệp, nông thôn còn nhiều tồn tại. Ô nhiễm môi trường  tại khu vực nông thôn có xu hướng gia tăng do áp lực từ rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải bỏ từ sản xuất nông nghiệp không được thu gom và xử lý hợp vệ sinh. Chất thải rắn nói chung, bao gói  thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn gia súc được thu gom vào các bể chứa  đã đầy nhưng chưa có kinh phí cho việc vận chuyển, xử lý, dẫn đến tình trạng  nhiều bể chứa quá tải, không có kho lưu chứa... Do vậy, người dân phải tự xử lý bằng cách chôn lấp hoặc đốt gây ô nhiễm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư  nông nghiệp, nông sản, sơ chế, chế biến trên địa bàn phần lớn là cơ sở nhỏ lẻ, phân tán tại các địa bàn, vì vậy hoạt động quản lý gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đã  tăng cường kiểm soát nhưng dấu hiệu vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. 

Trong thời gian tới, để bảo vệ môi trường nông thôn, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục thực hiện các giải pháp trọng tâm, nhiệm vụ cấp bách về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường. Tuyên truyền thông qua xây dựng mô hình ứng phó với biến đổi  khí hậu tại các địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực quốc tế thực hiện bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh./.