Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh được quan tâm. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục 02 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, hiện đã hoàn thành hồ sơ đang tiếp tục trình 03 hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; trình Chủ tịch nước phong tặng 02 Nghệ nhân Nhân dân, 26 Nghệ nhân ưu tú về di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng 09 di tích cấp tỉnh; quyết định đưa vào danh mục kiểm kê đối với 303 địa điểm di tích trên địa bàn tỉnh; xác lập quyền sở hữu toàn dân đói với 41 di vật, cổ vật do tổ chức, cá nhân trao tặng; quyết định cấp giấy phép hoạt động cho bảo tàng ngoài công lập đối với Bảo tàng Di sản các nhà khoa học. Tiếp nhận 371 tài liệu, hiện vật từ các tổ chức và cá nhân trong, ngoài tỉnh trao tặng cho Bảo tàng tỉnh Hòa Bình bảo quản, phát huy giá trị của các hiện vật phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và trung bày. Bảo quản, phục dựng 06 trống đồng cổ; tổ chức 09 cuộc trưng bày hiện vật tại Bảo tàng tỉnh, các địa phương và thành phố Hải Phòng với các chuyên đề đa dạng, phong phú phục vụ Nhân dân, du khách tham quan, nghiên cứu tìm hiểu. Hiện nay, đang tiếp tục tham mưu xây dựng hồ sơ khoa học trình xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đói với “Di tích khảo cổ học Hang xóm Trại, xã Tân Lập; Di tích Mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình”; xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mừờng và nền “Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 – 2030; đề xuất phương án đầu tư bảo tồn làng Mường cổ tại xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc.
Đối với công tác lập hồ sơ Di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, tích cực tham mưu thực hiện các bước trinh tiến trình lập hồ sơ Mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ đệ trình UNESCO xem xét đưa di sản văn hóa Mo Mường vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Đến nay đã hoàn thiện việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường trên địa bàn toàn tỉnh. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện, áp dụng bộ chữ dân tộc Mường được phê chuẩn để tiến hành ghi phần tư liệu gốc của di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Mường trong quá trình xây dựng 02 hồ sơ “Lễ hội Khai hạ của dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình”; “Tri thức lịch tre dân tộc Mường” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Bên cạnh đó, việc tổ chức triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào “Xây dựng nông thôn mới, khu đô thị văn minh” được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Qua đó nhận thức của chính quyền các cấp và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào ngày được nâng cao đã trở thành phong trào sâu rộng trong cộng đồng, xã hội. Toàn tỉnh có 87,9% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 95,1% số làng, bản, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; 92% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Có 95/151 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn đạt chuẩn theo quy định. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền cổ động, phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Chú trọng nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, đa dạng hóa các loại hình sinh hoạt, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia; gắn kết giữa phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở với bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của Nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh. Toàn tỉnh có 01 đội tuyên truyền lưu động cấp tỉnh; 10 đội tuyên truyền lưu động cấp huyện; 1.482 đội văn nghệ tuyên truyền quần chúng xóm, bản, tổ dân phố thường xuyên hoạt động, phát huy hiệu quả./.