DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển Kinh tế - Xã hộivùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

30/09/2019 00:00
Xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong 3 khâu đột phá chiến lược trong thực hiện Nghị quyết số 121/2015/NQ-HĐND ngày 03/12/2015 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã tập trung nguồn lực thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là ưu tiên cho các công trình hạ tầng trọng điểm, ưu tiên đầu tư phát triển vùng động lực, phát triển kết cấu giao thông liên vùng, giao thông nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đoạn đường bê tông tại xã Tu Lý, huyện Đà Bắc được đầu tư xây dựng nhờ nguồn vốn vay nước ngoài

Giai đoạn 2014 - 2019, tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều dự án từ nhiều nguồn vốn và chương trình khác nhau để đầu tư trực tiếp cho địa bàn các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn dự án giảm nghèo do ngân hàng thế giới tài trợ, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, trong đó 100% các xã thuộc diện thụ hưởng Chương trình 135 đều có trường tiểu học, trung học cơ sở, điện sinh hoạt, trạm y tế, đường ô tô đến trung tâm xã. Tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hồ chứa nước và các công trình thủy lợi nhỏ đảm bảo nước tưới trên 1.500 ha; hạ tầng thông tin viễn thông phát triển mạnh, mạng truyền dẫn được cáp quang hóa đến 11/11 huyện, thành phố; xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng thương mại được đẩy mạnh, tiếp tục cải tạo các chợ truyền thống, đồng thời phát triển cơ sở thương mại tập trung ở những nơi có điều kiện.

Tuy nhiên, năm 2017, tỉnh Hòa Bình chịu nhiều bất lợi về thời tiết, làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Do ảnh hưởng của thiên tai, lũ bão và do điều kiện khách quan khác nên nhiều nơi trên địa bàn vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hệ thống công trình cơ sở hạ tầng, công trình dân sinh, văn hóa, xã hội bị hư hỏng nặng nề và xuống cấp rất nhiều. Tỉnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực để khắc phục các công trình hư hỏng nhỏ, sửa chữa tạm thời các hư hỏng lớn để kịp thời phục vụ cho các phương tiện giao thông đi lại hoạt động bình thường, phục vụ sản xuất, kinh doanh,... Thực tế đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục được đầu tư và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội.

Trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, công trình giao thông gắn kết với vùng sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho các xóm, xã đặc biệt khó khăn; làm tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Phát huy lợi thế vùng dân tộc thiểu số nhằm khơi thông các nguồn lực, có chính sách thông thoáng thu hút các nguồn vốn, nhất là nguồn lực trong nhân dân đầu tư vào phát triển sản xuất, dịch vụ; lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của trung ương với nguồn vốn địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đặc biệt là hạ tầng phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân./.