Ngay sau khi được kiện toàn, Văn phòng Đăng ký đất đai thể hiện rõ hơn tính chuyên nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ đăng ký đất đai, chất lượng cấp giấy chứng nhận được nâng cao, quy trình giải quyết công việc thống nhất, đảm bảo đúng quy định. 6 tháng đầu năm, cấp giấy chứng nhận lần đầu: 1.066 hồ sơ, cấp đổi 150 hồ sơ, cấp lại: 39 hồ sơ; đăng ký giao dịch đảm bảo: 7.752 hồ sơ. Thông tin trong hồ sơ địa chính do phòng chuyên môn và chi nhánh cập nhật, chỉnh lý được thường xuyên và đồng bộ. Tuy nhiên, việc tra cứu cập nhật, chỉnh lý chưa thuận tiện, đăng ký và cấp giấy chứng nhận, thống kê và kiểm kê đất đai cũng như công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, công tác tổ chức và quản lý tài chính còn gặp nhiều khó khăn…
Những năm qua, việc khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát lòng sông của các tổ chức, cá nhân đặc biệt tại khu vực hạ lưu Thuỷ điện Hoà Bình cơ bản đáp ứng nhu cầu về sử dụng khoáng sản của tỉnh (đặc biệt là nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng), góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ, kịp thời phát hiện và xử lý nhiều hành vi vi phạm. Nhờ đó, hiện tượng khai thác trái phép được kiềm chế; các tổ chức cá nhân đã tích cực chấp nhận các quy định của pháp luật. Nhưng vẫn tồn tại hiện tượng trốn thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, chưa chấp hành tốt trong công tác lập hồ sơ thuê đất để sử dụng vào mục đích khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông của một số doanh nghiệp…
Về quản lý và khai thác khoáng sản đất san, lấp khi cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã đạt được nhiều kết quả tốt; hạn chế được những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong quá trình cải tạo mặt bằng các công trình đường giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị, nhà xưởng, nạo vét, gia cố kênh mương…Sở TN&MT đã lập 21 hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác đất san, lấp với số tiền trên 4,7 tỷ đồng. Bên cạnh kết quả đạt được, nạn khai thác trái phép vẫn diễn ra mặc dù không phổ biến, tình trạng tự ý cải tạo mặt bằng trên diện tích đất được giao đã làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, gây thất thu NSNN…
Đối với QLNN về bảo vệ môi trường, Sở TN&MT đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường. Hầu hết các doanh nghiệp đã tuân thủ các nội dung cam kết môi trường, đầu tư, nâng cấp các công trình thu gom, xử lý chất thải và các nội dung về ATLĐ và vệ sinh môi trường, ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên rõ rệt. 100% các dự án đầu tư vào tỉnh đề phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, thực hiện giám sát quan trắc tại 394 cơ sở doanh nghiệp nhằm phân loại cơ sở gây ô nhiễm. Kết quả, có 26 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, 06 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Năm 2015, tổng lượng chất thải nguy hại được xử lý là 710.734 kg, đạt tỷ lệ 88,49%. Thanh tra, kiểm tra 97 cơ sở, doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng tài nguyên, môi trường.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, nhấn mạnh vai trò QLNN về môi trường từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Các huyện, thành phố đề xuất với UBND tỉnh nhiều giải pháp để có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chức năng; nâng cao chất lượng hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai; quản lý và khai thác có hiệu quả đất san, lấp có hàm lượng quặng và cát, sỏi lòng sông.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở TN&MT tiếp thu, tổng hợp ý kiến các đại biểu tại buổi làm việc đồng thời giao cho các sở, ngành chức năng giải quyết. Theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Văn phòng Đăng ký đất đai đã phát huy được chức năng, nhiệm vụ nhưng cần nâng cao chất lượng hoạt động thông qua việc tập huấn nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ cấp cơ sở. Sở TN&MT phối hợp các huyện, thành phố thực hiện công khai các thủ tục, hồ sơ, giảm thời gian cấp giấy chứng chận. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân với các trường hợp vi phạm môi trường (cá chết sông Bưởi và Công ty sản xuất đồng An Phú). Rà soát các cơ sở doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm, kịp thời nắm tình hình, phát hiện và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm. UBND thành phố Hoà Bình tập trung đối với khu xử lý rác thải. Các tổ công tác phát huy trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, phối hợp xử lý kiên quyết. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh cần phải có sự phối hợp tốt hơn nữa trong công tác QLNN để quản lý và khai thác có hiệu quả đất san, lấp có hàm lượng quặng và cát, sỏi lòng sông cũng như bảo vệ môi trường./.