Thành tâm và kính cẩn như đang thực hiện một nghi lễ hết sức tôn nghiêm, cụ ông chắp tay trước bàn thờ Tổ, lầm rầm câu khấn rồi mới thận trọng lấy xuống một tập tài liệu đã ố vàng. 70 năm về trước, thôn Chiềng (tức xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc ngày nay) có gần 300 người sinh sống thì trong đó khoảng 100 người đủ khả năng đọc hết tập tài liệu này. Nhưng giờ đây, cả xã chỉ còn duy nhất một mình cụ…
Học chữ Tày vì không muốn là “Tày mất gốc”
Bàn tay già nua run run lần giở từng trang giấy dó mỏng tang và cũ kỹ, cụ Xa Văn Mắn (83 tuổi) bùi ngùi đối diện với những ký ức xa xôi. Theo trí nhớ của cụ Mắn, đã có thời chữ Tày (thuộc ngữ hệ Tày - Thái) được sử dụng như chữ viết chính thống đối với huyện Mai Đà (tức huyện Mai Châu, Đà Bắc ngày nay). Khoảng năm 1938, cả thôn Chiềng (xưa) có gần 300 người sinh sống thì đã có 101 người được học và biết chữ viết của dân tộc mình. Chữ Tày khi đó khá phổ biến và giữ vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt - văn hoá của người dân. Không trường lớp. Không thầy cô. Không giáo án. Chủ yếu là tự học và học lẫn nhau nên thứ giáo án duy nhất hữu hiệu là những trang sách cổ được lưu giữ như báu vật gia truyền. Từ đời này sang đời khác, vẫn vẹn nguyên trong đó là âm sắc thiêng liêng của ngôn ngữ dân tộc, được thể hiện qua các bài khắp, áng mo, sử thi, hò vè, thơ ca, tục ngữ… Cũng giống nhiều người không phải là con lang, lúc bấy giờ, bản thân cụ Xa Văn Mắn còn được học chữ Tày trước chữ Quốc ngữ.
“Phải học chữ Tày nếu không muốn là người Tày mất gốc”. Ngay từ khi 10 tuổi, cậu bé Xa Văn Mắn đã ý thức được điều đó để rồi lao vào học chữ Tày. Sáng đi chăn trâu, cắt cỏ, tối bò ra sàn nhà viết viết, đọc đọc. Càng học càng say. Buổi tối vì thế là khoảng thời gian trong ngày cậu thích thú nhất. Đến năm 13 tuổi thì Xa Văn Mắn đã khá thông thạo chữ nôm Tày, trong khi một chữ quốc ngữ bẻ đôi chưa biết. Cậu đã có thể đọc lưu loát từ đầu đến cuối quyển “sách giáo khoa” (tiếng Tày gọi là “cốc xử” – PV) trước kia đã giúp cậu làm quen với “tộ xự” (41 phụ âm đầu), “tộ mại” (19 cách ghép âm, vần) và những quy tắc gốc trong chữ Tày. Cuốn sách đó thực chất là cuốn Thành Hiên - tập hợp những câu tục ngữ, thành ngữ, quán ngữ thường dùng của dân tộc Tày. Mấy chục năm sau, cùng với những tài liệu cổ viết bằng chữ Tày, cuốn sách luôn được đặt trang trọng trên bàn thờ tổ tiên của gia đình cụ Xa Văn Mắn.
“Cậu đúng là người Tày nhà mình rồi!”
Trầm tư trước những tài liệu cổ mà giờ đây cả xã không ai ngoài mình có thể đọc được một cách thông suốt, trông cụ Xa Văn Mắn u buồn đến mức khắc khổ. Lúc này, cụ khiến người ta liên tưởng tới ông đồ già của nhà thơ Vũ Đình Liên, với “giấy đỏ buồn không thắm”, với “mực đọng trong nghiên sầu”, với lá vàng, mưa bụi, hoa đào và nỗi cô đơn đậm đặc cả không gian, thời gian lẫn khối óc. Cụ xúc động kể cho tôi nghe một kỷ niệm đẹp mà giờ nhớ lại, cụ thấy nao nao chẳng rõ mình vui hay buồn…
"Ông Xa Ngọc Hoàn (khi đó là Phó ban Dân tộc Trung ương) đã bất ngờ hỏi tôi: “Có biết Vua Áo đen không?” Tôi trả lời ngay: “Xa Khăm Đanh gốc người Lào Thuộm – Chăm pa!”. Ông ấy chụp mạnh lấy vai tôi, lắc lắc: “Cậu đúng là người Tày nhà mình rồi!”. Thế là chúng tôi nhận anh, nhận em, rồi suốt chuyến công tác gần một tháng chỉ nói với nhau bằng tiếng Tày. Thi thoảng lại lôi giấy bút ra viết chữ Tày như một cách khẳng định niềm tự hào, tự tôn dân tộc…"
Nén chặt tiếng thở dài, cụ Mắn tâm sự: Lũ trẻ bây giờ có mấy đứa biết Xa Khăm Đanh là ai đâu. Lắm lúc muốn kể cho chúng nó nghe mà chúng nó cứ xua xua cho qua chuyện… Việc học chữ Tày cũng thế. Thời chúng tôi, là người Tày mà chỉ nói, chứ không biết viết chữ Tày thì vẫn bị coi là “Tày mất gốc”, là “mù chữ” nên có khó, có khổ đến mấy cũng phải học. Còn bây giờ, chúng nó cứ kêu khó, kêu bận, rồi chưa thuộc mặt chữ đã bỏ dở dang. Tôi muốn dạy, nhưng chúng nó không học. Tôi sợ đến lúc tôi phải sang thế giới bên kia, con cháu tôi đứa nào cũng bị "mù chữ"…
Nặng trĩu lòng người, chơi vơi con chữ
Đăm chiêu nhấp thêm một ngụm nước chè được pha rất đặc, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng Xa Mạnh Hùng trầm giọng: Xã Mường Chiềng có trên 90% dân số là dân tộc Tày. Trong khi đó, số người bập bõm biết chữ Tày (chưa nói đến trình độ biết đọc, biết viết) chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Điều đáng lo ngại là trong số các bậc cao niên của xã cũng chỉ có duy nhất cụ Xa Văn Mắn là đủ trình độ dạy chữ Tày. Ngoài ra, có ông Xa Văn Băng ở bản Hạ (75 tuổi), nhưng ông này chỉ đọc được chứ không thạo viết. Tại các xã khác, chữ Tày cũng rơi vào tình trạng bế tắc như ở Mường Chiềng, không những bị mai một ngày càng nghiêm trọng trong đời sống cộng đồng mà còn đứng trước nguy cơ bị đánh mất.
Chia sẻ sự tiếc nuối khi chữ Tày chưa đến được với đông đảo người Tày, anh Xa Văn Thảo, cán bộ Trung tâm Học tập cộng đồng xã Mường Chiềng trăn trở: Theo như chúng tôi nhìn nhận, nhu cầu học chữ Tày ở Đà Bắc khá cao, đặc biệt là đối với 9 xã Đồng Chum, Mường Chiềng, Giáp Đắt, Tân Pheo, Tân Minh, Trung Thành, Đoàn Kết, Yên Hoà, Đồng Ruộng, đều là những nơi tập trung nhiều người Tày sinh sống. Tuy nhiên, cả 9 xã chỉ đếm được trên chục người già có thể tham gia truyền dạy chữ Tày. Các cụ đều đã ở vào cái tuổi “gần đất xa trời” nên việc giảng dạy chữ Tày càng trở nên cấp bách. Cũng theo anh Xa Văn Thảo, từ trước đến nay mới chỉ có xã Trung Thành là địa bàn duy nhất từng mở được lớp dạy chữ Tày tại Trung tâm Học tập cộng đồng. Đáng tiếc, hoạt động đó chỉ như một đốm lửa nhanh chóng tắt phụt trong đêm và đến nay, chưa thấy xuất hiện thêm một đốm lửa nào như thế.
Là người đã có gần 15 năm dày công tìm hiểu về chữ viết dân tộc Tày, có lẽ hơn ai hết, ông Lường Đức Chôm ở xã Trung Thành cảm thấy vô cùng tiếc nuối và xót xa khi phải xác nhận rằng: Trôi theo dòng chảy của thời gian, dân tộc ông đang đứng trước nguy cơ đánh mất một thứ tài sản vô giá.
Nặng trĩu lòng, ông Chôm tâm sự: Chữ Tày được sử dụng cách đây khoảng 300 năm và trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đã trở thành một phần tất yếu của văn hoá Tày. Ngày xưa, đối với dân tộc Tày ở Đà Bắc nói riêng và cộng đồng dân tộc Tày nói chung, ngôn ngữ (bao gồm cả tiếng nói và chữ viết) không phải là một phương tiện giao tiếp đơn thuần, mà là một tài sản vô giá phi vật thể, là niềm tự hào dân tộc, là một thứ tôn giáo đặc biệt của tâm hồn…
Ấy thế mà giờ đây, chữ Tày đang chơi vơi như một chiếc lá vàng cuối đông muốn xanh trở lại. Khó quá, chữ Tày ơi!