DetailController

Quốc phòng - An ninh

Chủ động ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão

24/05/2021 00:00
Những năm gần đây, tình hình thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường. Trong 20 năm gần đây, tỉnh Hòa Bình đã phải hứng chịu hầu hết các loại thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, rét hại,...) gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động xấu đến môi trường sống, sản xuất của nhân dân, ước tính thiệt hại hàng năm từ 1,0-1,5% GDP của tỉnh.
Tập trung rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở trước mùa mưa bão nhằm đảm bảo an toàn công trình và tính mạng của người dân

Theo phân tích, bão xuất hiện từ biển Đông từ tháng 5-11 hàng năm, mặc dù Hòa Bình là tỉnh nằm sâu trong nội địa, ít phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão, nhưng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão. Trung bình hàng năm tỉnh Hòa Bình chịu ảnh hưởng hoàn lưu của từ 2-3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, gây mưa to ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân trên toàn tỉnh, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, các hộ dân nghèo, cơ sở vật chất chưa tốt để chống chịu gió mạnh, mưa lớn.

Lũ, lụt trên địa bàn tỉnh xuất hiện vào mùa mưa, do địa hình nhiều đồi, núi, sông, suối và các tác động của con người như phá rừng đã làm thay đổi bề mặt lưu vực làm giảm khả năng thoát nước của lưu vực có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra lũ. Khi lượng mưa trung bình trong 24 giờ trên địa bàn tỉnh từ 300-400mm, nước trên các tuyến sông Bùi, sông Bôi thuộc huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy dâng cao gây lũ, lụt cho các xã ven sông. Khi nhà máy Thủy điện Hòa Bình vận hành xả lũ, lượng nước xả từ hồ Hòa Bình xuống hạ lưu từ báo động I (+20,5 m) trở lên có nguy cơ gây ngập lụt, mất an toàn cho khu vực hạ lưu đập Thủy điện Hòa Bình trên địa bàn các phường, xã thuộc thành phố Hòa Bình và các xã lân cận.

Sạt lở đất thường xảy ra trên các tuyến giao thông như: dọc tỉnh lộ 433, đường từ Tu Lý, huyện Đà Bắc về đến thành phố Hòa Bình, dọc theo Quốc lộ 6; xảy ra các vùng có địa chất, địa hình không ổn định như: xã Đồng Nghê, Suối Nánh, Giáp Đắt, huyện Đà Bắc, xã Mai Hạ, Chiềng Châu, Xăm Khòe huyện Mai Châu, xã Địch Giáo, Quy Mỹ, Ngọc Mỹ và Đông Lai huyện Tân Lạc.

Lũ quét thường xuyên xảy ra ở các huyện Đà Bắc, Mai Châu, Lạc Sơn, Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi, Lương Sơn và thành phố Hòa Bình là những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét cao. Lốc xoáy thường xuất hiện nhiều trên địa bàn tỉnh trong khoảng từ tháng 4-7, tính từ năm 2015-2020 có 38 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn và 3.928 nhà bị tốc mái. Trên địa bàn tỉnh các huyện như: Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong, Kim Bôi, Lương Sơn và thành phố Hòa Bình là những nơi thường xuyên bị ảnh hưởng bởi gió mạnh, giông, lốc, sét. Trong những năm gần đây, tỉnh Hòa Bình cũng xảy ra hiện tượng mưa đá, giông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại về tài sản, cây trồng của người dân.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, những năm qua tỉnh Hòa Bình đã nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành và tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương khi có thiên tai xảy ra. Thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 983, ngày 14/5/2021 về việc phê duyệt phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra. Trong đó xây dựng kịch bản để ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra. Đảm bảo nguyên tắc việc tổ chức cứu hộ, cứu nạn phải an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn và được tổ chức khẩn trương, kịp thời. Khi có thông tin về tai nạn trong thiên tai, Đội xung kích phòng, chống thiên tai tổ chức thực hiện các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, sơ cứu; thông tin, báo cáo kết quả thực hiện, đề xuất hỗ trợ từ cấp trên.  Khi nhận thông tin yêu cầu hỗ trợ, người chỉ huy điều động lực lượng, phương tiện TKCN cấp huyện, tỉnh xuống ngay địa bàn để hỗ trợ kịp thời các lực lượng tại chỗ. Trong trường hợp tai nạn, sự cố xảy ra khi thiên tai đang diễn biến mạnh, phức tạp thì việc tổ chức cứu hộ, cứu nạn phải dựa trên đặc điểm tình hình thực tiễn và năng lực cứu hộ, cứu nạn hiện có để triển khai nhiệm vụ trên tinh thần đảm bảo nguyên tắc về an toàn.

Xây dựng các phương án khác đảm bảo an toàn hồ nước, đảm bảo an toàn vùng hạ du hồ chứa, đảm bảo an toàn thông tin liên lạc, đảm bảo giao thông, khắc phục sự cố các tuyến đường giao thông trong và sau thiên tai, có phương án dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm để ứng phó với thiên tai, có phương án vận hành hệ thống lưới điện khi xảy ra thiên tai, sự cố. Bên cạnh đó xây dựng phương án di dời, sơ tán người dân trong vùng ảnh hưởng khi xảy ra thiên tai.

Hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, cải tạo, sửa chữa đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông, thủy lợi…đánh giá mức độ nguy hiểm tại các khu vực sạt lở, xác định các khu vực và cảnh báo nguy hiểm khi xảy ra thiên tại. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức trong chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai. Xác định phòng, chống thiên tai là công việc quan trọng, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, để phòng, tránh thiên tai có hiệu quả, ngoài các biện pháp trên, cần tuyên truyền rộng rãi và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, để chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra./.