DetailController

Khoa học - Môi trường

Chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai năm 2021

05/02/2021 00:00
Năm 2020, trên địa bàn tỉnh thiên tai xảy ra bất thường và phức tạp, gây nhiều thiệt hại về hoa màu, tài sản của người dân. Cụ thể, tỉnh chịu ảnh hưởng của rìa xa hoàn lưu 4 cơn bão gây mưa vừa, mưa to diện rộng. Khu vực tỉnh chịu ảnh hưởng của 23 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường, trong đó xảy ra 2 đợt rét đậm, rét hại. Trong năm đã xảy ra 13 đợt nắng nóng diện rộng, có ngày nắng nóng với nhiệt độ cao nhất vượt ngưỡng lịch sử, lên tới 410C vào ngày 21/5 (lịch sử là 40,90C, ngày 4/6/2017). Theo đánh giá của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, tình hình nắng nóng trong năm khác biệt với cùng thời kỳ nhiều năm và mức độ gay gắt đến đặc biệt gay gắt cũng khốc liệt hơn.

Về lượng mưa, trong tỉnh xảy ra 18 đợt mưa lớn diện rộng và một số ngày có mưa lớn diện rộng; nhiều hơn 9 đợt so với năm 2019. Xảy ra 182 ngày mưa giông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Do ảnh hưởng của mưa lớn kèm giông lốc, sét, mưa đá, lũ, lũ quét, sạt lở đất đã gây nhiều thiệt hại. Đã có 4 người chết, 3 người bị thương; 3.077 nhà tốc mái, đổ sập; tổng diện tích nông, lâm nghiệp bị thiệt hại gần 2.300 ha; thiệt hại trên 700 cây bóng mát, cây xanh; trên 9.600 con gia súc, gia cầm bị chết. Nhiều công trình giáo dục, văn hóa, thủy lợi, thông tin liên lạc bị hư hỏng. Nhiều công trình giao thông bị thiệt hại, trên 30.350 m3 đất bị sạt lở trên các tuyến đường giao thông; nhiều điểm sạt lở taluy âm, taluy dương gây cản trở và làm mất an toàn về giao thông; gần 5.900 m kênh mương bị sạt lở; đổ trên 50 cột điện... Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong tỉnh năm 2020 trên 652.200 triệu đồng.

Do biến đổi khí hậu, năm 2021 cũng được dự báo tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường. Khu vực tỉnh có khả năng chịu ảnh hưởng gián tiếp của hoàn lưu 2 - 3 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, tập trung vào tháng 6 - 8/2021. Không khí lạnh chủ yếu là lạnh khô và ảnh hưởng đến khu vực tỉnh khoảng 22 - 24 đợt, tập trung vào các tháng 1 - 4 và từ tháng 9 - 12. Số đợt cũng như số ngày rét đậm, rét hại nhiều và có khả năng kéo dài trên diện rộng hơn từ cuối tháng 12/2020 đến hết tháng 2/2021, khả năng xuất hiện băng giá, sương muối, nhất là khu vực vùng núi cao. Về nắng nóng trong các tháng mùa hè trên địa bàn tỉnh dự báo có xu hướng xuất hiện muộn hơn bình thường và không gay gắt như năm 2020.

Cũng theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong năm 2021 có khoảng 15 - 17 đợt mưa lớn diện rộng và xảy ra khá đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm có khả năng xảy ra trên phạm vi toàn khu vực, đặc biệt hiện tượng giông, lốc, sét, mưa lớn cục bộ, mưa đá khi không khí lạnh tràn về và sạt lở đất ở các khu vực có địa hình dốc, thảm phủ thực vật kém. Cùng với đó là lũ xảy ra trên các sông, suối nhỏ trong tỉnh đạt cấp báo động III và trên báo động III. Dự báo số trận lũ nhiều hơn năm 2020 và xuất hiện vào tháng 7 - 9/2021. Trong những đợt mưa lớn hiện tượng lũ quét và sạt lở đất có khả năng xảy ra ở nhiều nơi, nhất là tại các huyện Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Cao Phong và thành phố Hòa Bình.

Từ tháng 11/2020 - 4/2021, mực nước trên các sông có xu thế giảm dần, nguồn nước trên các sông xấp xỉ trung bình nhiều năm nên nguy cơ thiếu nước cục bộ có thể xuất hiện ở một số sông, suối. Từ nhận định xu thế khí tượng, thủy văn năm 2021, cần đề phòng khả năng khô hạn kéo dài xảy ra tại một số nơi... Các địa phương cần có biện pháp phòng, chống hữu hiệu về tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất vụ đông - xuân và có phương án phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi ở vùng đồi, núi cao.

Để chủ động phòng chống, ứng phó với các loại hình thiên tai, ngay từ đầu năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh năm 2021. Theo đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các sở, ban, ngành; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực tham gia giám sát, hỗ trợ trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, mục tiêu là hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra./.