Lũy kế đến nay, tỉnh Hòa Bình có 418 HTX, 203 tổ hợp tác và 01 Liên hiệp HTX đang hoạt động. Phân chia theo lĩnh vực hoạt động: Có 312 HTX nông- lâm-thủy sản (chiếm 74,64% tổng số HTX đang hoạt động), 32 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 03 HTX xây dựng, 38 HTX thương mại, 17 HTX vận tải và 13 HTX điện năng. Tổng số lao động thường xuyên của các HTX trong 6 tháng đầu năm đạt 2.475 người, bao gồm 1.985 lao động trong các HTX cung ứng dịch vụ và 490 lao động các HTX tạo việc làm; trung bình mỗi HTX có khoảng 06 lao động thường xuyên.
Doanh thu bình quân của các HTX trong 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 871,5 triệu đồng, lợi nhuận bình quân của các HTX ước đạt khoảng 107,568 triệu đồng. Thu nhập bình quân của các lao động làm việc thường xuyên của HTX trong 6 tháng đầu năm khoảng 6,2 triệu đồng/người/tháng.
Đối với hoạt động của các quỹ tín dụng: Hiện có 03 quỹ đang hoạt động tại thành phố Hòa Bình và huyện Cao Phong. Tổng số thành viên tham gia các quỹ tín dụng đạt khoảng 4.881 người, trung bình mỗi quỹ tín dụng có khoảng 1.220 thành viên.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình không có THT được thành lập mới. Số tổ hợp tác hoạt động hiệu quả là 203 THT, tập trung ở các lĩnh vực hoạt động như nông nghiệp, chăn nuôi, THT dịch vụ tưới tiêu, THT làng nghề, THT du lịch cộng đồng….Tổng số thành viên của THT ước dạt khoảng 3.000 người, doanh thu bình quân mỗi THT ước đạt khoảng 300 triệu đồng, lãi bình quân một THT đạt khoảng 52 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng THT đang hoạt động cao hơn 2,01%; số thành viên tăng khoảng 28,59%; doanh thu bình quân tăng nhẹ khoảng 9,73%.
Tuy nhiên, khó khăn trong 6 tháng đầu năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã khiến các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi…phải đối mặt với những khó khăn về vốn, làm suy giảm sản xuất, đứt đoạn chuỗi cung ứng nông nghiệp, gây khó khăn cho tái đầu tư và việc thực hiện đầy đủ chế độ lương, thưởng cho thành viên và người lao động của HTX.
Các HTX du lịch, HTX vận tải bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, phần lớn chỉ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và không có lợi nhuận. Nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển KTTT, HTX còn hạn hẹp, số lượng HTX được tiếp cận chính sách chưa nhiều, hiệu quả sử dụng nguồn hỗ trợ chưa cao. Phát triển HTX gắn với tiêu chí 13 trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều bất cập, nhiều HTX quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn khó khăn, chưa có định hướng phát triển HTX theo hướng bền vững. Sự liên kết, hợp tác kinh doanh giữa HTX trong cùng địa phương hiệu quả còn thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa ổn định do đó khó khăn trong việc ký kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, siêu thị….
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để phát triển thị trường nông sản, tăng cường công tác quản lý, dự báo, thông tin về thị trường nông sản để hạn chế tình trạng được mùa mất giá; hỗ trợ mở rộng thị trường và đẩy mạnh triển khai chương trình xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông sản. Tăng cường hỗ trợ tư vấn, đào tạo về công cụ quản trị năng suất, chất lượng, sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo, công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm; hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực của HTX sản xuất và chế biến nông nghiệp./.