Ngay từ đầu năm, tỉnh đã kiện toàn và phân công trách nhiệm cho từng thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp. Công tác quản lý vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu cầu phẩm phục vụ phòng, chống thiên tai được các sở, ban, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Trong năm, tỉnh đã chuẩn bị trên 6.000 phao các loại, trong đó có 8 phao bè; 3 máy phát điện; 2 bộ chữa cháy, 24 xe cứu thương, 37 tàu tìm kiếm cứu nạn, 24 xe ô tô và nhiều phương tiện, vật tư chuyên dùng khác. Đồng thời dự trữ nhu yếu phẩm, nhiên liệu, hóa chất dự phòng đảm bảo để người dân không bị đói, thiếu hàng, chủ động trong các tình huống cấp bách.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong phòng, chống thiên tai, kêu gọi sự chung tay của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Năm 2021, Quỹ Phòng, chống thiên tai của tỉnh thu được là 8.900 triệu đồng. Từ nguồn Quỹ, tỉnh đã chi xuất phục vụ công tác phòng ngừa, hỗ trợ khắc phục các thiệt hại do thiên tai gây ra; vận hành các trạm đo mưa tự động, khắc phục một số công trình phòng chống thiên tai tại các địa phương đến nay với tổng số tiền là 8.094 triệu đồng, nguồn Quỹ lũy kế từ nhiều năm trước. Trong năm, tỉnh đã trích từ dự phòng ngân sách tỉnh hỗ trợ cho chính quyền thành phố thực hiện khắc phục sạt lở xóm tiểu khu, xã Hoà Bình với kinh phí 3 tỷ đồng Bằng sự hỗ trợ kịp thời đã giảm thiểu tối đa những thiệt hại mà các đợt bão lũ để lại, giúp địa phương, Nhân dân vùng dịch sớm ổn định cuộc sống và khôi phục, phát triển kinh tế- xã hội.
Để chủ động và triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống thiên tai, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành rà soát các khu vực trọng điểm trên địa bàn dễ xảy ra nguy hiểm khi mùa mưa lũ đến. Theo tổng hợp, toàn tỉnh hiện có 4 điểm xung yếu về đê điều, 54 hồ chứa thủy lợi mất an toàn, 87 điểm sạt lở bờ sông, 26 điểm ngầm tràn kết hợp giao thông, 90 khu vực dân cư bị ảnh hưởng. Với phương châm “4 tại chỗ”, tỉnh đã khẩn trương các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án di dân tái định cư ổn định cho người dân vùng thiên tai, phương án đảm bảo an toàn khi có thiên tai xảy ra. Đã có 1.760 hộ với 6.305 nhân khẩu ổn định tại các dự án tái định cư mới, tỉnh đã tiếp tục bố trí nơi ở mới, an toàn cho 3.679 hộ với 14.959 nhân khẩu còn lại. Khi có thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các cấp đã phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả; cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm; cấm các phương tiện giao thông và người di chuyển qua lại; thường xuyên cử người xuống các xã để hướng dẫn, chỉ đạo sơ tán, di chuyển dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở đảm bảo an toàn cho người dân; huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác khắc phục.
Cùng với sự nỗ lực của tỉnh, Trung ương đã Quyết định hỗ trợ kinh phí để tỉnh khắc phục những hậu quả của thiên tai, đặc biệt là các công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật bị hư hỏng do mưa lũ, sạt lở đất gây ra. Đến nay, các công trình được Trung ương hỗ trợ kinh phí từ năm 2019 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Năm 2020, Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí 20 tỷ đồng xây dựng 4 công trình và hỗ trợ di dân sửa chữa nhà ở của 4 huyện, thành phố. Đến nay đã hoàn thành 2 công trình, 2 công trình còn lại đã hoàn thành từ 30-80% khối lượng; đã hoàn thành 3/4 mục hỗ trợ kinh phí di dân sửa chữa tại các huyện, thành phố, là các huyện Lạc Sơn, Tân Lạcvà thành phố Hòa Bình, còn huyện Kim Bôi đang hoàn thành 25,76% giá trị vốn hỗ trợ.
Tỉnh quan tâm, nâng cấp chất lượng tuyên tuyền, cảnh báo thiên tai, khai thác sử dụng thông tin dữ liệu từ 31 trạm đo mưa tự động qua phần mềm Vrain đồng bộ từ các cấp ngành, địa phương phổ biến đến toàn bộ người dân; khai tháchệ thống cảnh báo sạt lở tại khu vực đồi Ông Tượng, thành phố Hoà Bình nhằm đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai. Thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp đã nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố của các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp và người dân trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại, từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai./.