DetailController

Quốc phòng - An ninh

Chủ động phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn hồ đập trên địa bàn tỉnh

06/08/2021 00:00
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 12/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh năm 2021, đến nay hầu hết các địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại. Với tư tưởng chỉ đạo: Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả trong đó lấy phòng tránh là chính với phương châm “4 tại chỗ”, trước mùa mưa lũ các đơn vị đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, kiểm tra lực lượng, phương tiện và vật tư dự phòng, đảm bảo cho công tác ứng phó thiên tai năm 2021.

Từ đầu năm đến nay, các loại hình thiên tai trên địa bàn tỉnh như: giông lốc, mưa lớn cục bộ, ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 gây mưa lớn đã gây thiệt hại hư hỏng nhà ở, hoa màu và một số công trình công cộng trên địa bàn các huyện như: Kim Bôi, Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn. Cụ thể, làm 110 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 236,25 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 9 máy thủy luân bị vùi lấp, 18 bai tạm bị vỡ; 750m³ đất bị sạt lở trên các tuyến đường quốc lộ; 0,1ha diện tích nuôi cá hồ nhỏ bị thiệt hại từ 30-50%; 208 con gia súc, gia cầm bị chết; không gây thiệt hại về người…Ước tính thiệt hại khoảng trên 5 tỷ đồng. Theo đánh giá so với năm 2020, giông lốc, mưa đá, xét đến thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6 xảy ra ít hơn so với năm 2020.

Theo rà soát, hiện nay toàn tỉnh có 212 hồ bị hư hỏng, xuống cấp (chiếm 38,9%), 332 hồ hoạt động bình thường; 187 điểm dân cư có nguy cơ thiên tai cao với 4.003 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai phải có phương án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư; 118 điểm có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá lăn với 2.519 hộ bị ảnh hưởng…Do điều kiện khó khăn về kinh phí nên chưa thực hiện sửa chữa, nâng cấp. Hằng năm, các đơn vị quản lý, khai thác đã tiến hành gia cố, đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ.

          Nhằm ứng phó với các cấp độ thiên tai xảy ra trên địa bàn, các đơn vị, địa phương đã chú trọng và đặt công tác phòng, chống thiên tai lên hàng đầu; kịp thời ban hành các văn bản, xây dựng phương án đảm bảo an toàn thiên tai; kiểm tra an toàn công trình đê điều, hồ hập và khu dân cư; thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai, đồng thời gửi bản tin cảnh báo cho các địa phương để năm bắt, chủ động có phương án ứng phó phù hợp.

          Ngay sau khi có thiên tai xảy ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai đã bám sát địa bàn, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo hoàn hệ thống chính trị trong công tác ứng phó, phòng, chống thiên tai. Qua đó, đã giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Chính quyền địa phương nơi xảy ra thiên tai luôn chủ động huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ; cắm chốt biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở; cử lực lượng chốt giữ các ngầm tràn không cho người và phương tiện qua lại khi có nước lũ…tạm thời khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến đường giao thông để đảm bảo lưu thông; có phương án sơ tán, di chuyển dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở; triển khai dọn dẹp vệ sinh, tiêu trùng khử độc chuồng trại, làm sạch nguồn nước.

          Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân địa phương đã được quan tâm, chú trọng hơn so với thời gian trước. Các địa phương đã chủ động tuyên truyền để người dân trên địa bàn biết cách nhận biết và phòng tránh đối với từng loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra. Công tác thu nộp Quỹ phòng, chống thiên tai tiếp tục được triển khai giúp duy trì được nguồn kinh phí chủ động cho tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, tính đến hết tháng 5/2021 tổng số Quỹ khoảng trên 3,6 tỷ đồng.

          Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều hộ gia đình do chủ quan, sợ mất đất, mất nhà không chịu sơ tán khi có mưa lũ lớn xảy ra, làm ảnh hưởng đến công tác di dời dân. Địa bàn các xóm, thôn bị ảnh hưởng bởi thiên tai thường nằm ở vùng cao, vùng sâu, xa khu trung tâm, thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí sử dụng cho công tác phòng, chống thiên tai còn hạn hẹp, không đủ để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai xảy ra. Lực lượng cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai cấp huyện, xã đều là kiêm nhiệm, liên tục thay đổi, ít kinh nghiệm. Trong khi đó, các sự cố thiên tai xảy ra rất đa dạng, bất thường không theo quy luật nên gây ra nhiều khó khăn…/.