DetailController

Tin từ các đơn vị

Chủ động phòng, chống sâu bệnh trên cây trồng vụ hè thu

29/07/2022 00:00
Theo kế hoạch, vụ Mùa, vụ Hè Thu năm nay, toàn tỉnh gieo trồng gần 48 nghìn ha cây hàng năm. Tính tới thời điểm cuối tháng 7, toàn tỉnh đã cơ bản cấy xong diện tích lúa mùa theo kế hoạch. Hiện các địa phương đang tích cực làm đất và gieo trồng cây trồng cạn theo kế hoạch; nhãn đang bắt đầu thu hoạch; cây ăn quả có múi giai đoạn phát triển quả-mọng quả; mía giai đoạn vươn lóng mạnh.
Tới nay toàn tỉnh đã cơ bản cấy xong diện tích lúa mùa theo kế hoạch, hiện các địa phương đang tập trung chăm sóc diện tích lúa mùa vừa cấy

Từ đầu vụ tới nay, các cây trồng trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi một số loại dịch bệnh như: Bệnh loét, hiện tượng ruồi đục quả trên cây có múi; bệnh đốm lá nhỏ, thối nõn, đốm vòng, sâu đục thân trên cây mía; bệnh sâu xanh bướm trăng trên cây rau; ốc bươi vàng phát sinh trên cây lúa; sâu keo trên cây ngô; bệnh khảm lá sắn trên cây sắn…gây ảnh hưởng không nhỏ tới diện tích, năng suất cây trồng.

Dự báo vụ Mùa, Hè Thu năm nay sẽ có biến động mạnh về phạm vi, mức độ gây hại của một số đối tượng; thậm chí có nguy cơ bùng phát thành dịch trên diện rộng nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời. Trong đó một số đối tượng đáng chú ý gồm: Hiện tượng sâu vẽ bùa, bệnh sẹo, loét, bệnh thối quả, ruồi đục quả trên cây ăn quả có múi; Bọ nhảy, sâu xanh bướm trắng, sâu tơ, bệnh thối nhũn vi khuẩn, rệp…trên cây rau; trên cây mía thường xuất hiện bệnh thối ngọn hại giai đoạn vươn lóng – chín từ đầu tháng 8. Sâu đục thân, rệp xơ trắng, bệnh than đen xuất hiện và gây hại từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11. Bệnh thối đỏ xuất hiện và gây hại mạnh giai đoạn mía chín. Bọ hung tiếp tục hại diện hẹp trên mía lưu gốc vùng đất bãi, vùng trồng mía lâu năm giai đoạn vươn lóng. Trên cây lương thực lấy hạt thường xuất hiện chuột hại, ốc bươu vàng, rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ, sâu cuốn lá nhỏ, vàng lá, bệnh đạo ôn… trên cây lúa. Trên cây ngô thường xuất hiện sâu keo mùa thu, sâu xám, sâu đục thân, đục bắp. Trên một số cây trồng khác như: cây chè, cây lạc…đều nhiều khả năng xuất hiện các loại sâu bệnh cây ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng cây trồng.

Để quản lý tốt các đối tượng dịch hại cây trồng vụ Mùa, Hè Thu năm 2022 góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (sở NN&PTNT) đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện các văn bản của UBND tỉnh, ngành NN&PTNT về việc chủ động điều tra, phát hiện các loại bệnh trên cây trồng. Phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn các huyện, phòng Kinh tế thành phố, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố phối hợp theo dõi thời tiết trong thời gian tới, nắm bắt chắc chắn cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, phân vùng giống nhiễm các đối tượng dịch hại chủ yếu trên các nhóm cây trồng; dự báo chính xác các cao điểm gây hại của dịch hại, phấn đấu dự báo các cao điểm gây hại của từng đối tượng cụ thể ít nhất trước 10 ngày để giúp cơ sở và nông dân chủ động phòng trừ có hiệu quả. Tăng cường chỉ đạo việc chăm sóc, làm cỏ, bón phân cho lúa đã cấy và các cây trồng cạn. Bón cân đối giữa đạm, lân, kali và bổ sung thêm phân bón lá, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, tăng sức đề kháng, khắc phục hiện tượng vàng lá, hạn chế sâu bệnh phát triển.

Hỗ trợ địa phương thực hiện quản lý dịch hại tổng hợp trên các loại cây trồng và tăng cường công tác phòng trừ chuột tổng hợp ngay từ đầu vụ. Hệ thống cung ứng thuốc bảo vệ thực vật cần theo dõi sát thông báo diễn biến tình hình sâu bệnh từ cơ quan chuyên ngành, chủ động cung cấp đầy đủ lượng thuốc đặc hiệu phù hợp với chủng loại dịch bệnh của từng địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Tăng cường bám sát đồng ruộng, đảm bảo chất lượng công tác dự tính dự báo./.