Thực hiện QĐ 923 Chính phủ, nhằm hỗ trợ hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt đầu tư Dự án hạ tầng phát triển sản xuất vùng cam an toàn tập trung huyện Cao Phong, giao UBND huyện Cao Phong làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương. Dự án thực hiện tại xã Bắc Phong, xã Hợp Phong và thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong với các hạng mục: nâng cấp 4 tuyến đường với tổng chiều dài 6,35km; sửa chữa và nâng cấp 3 hồ và 1 cụm hồ chứa nước tưới; gia cố thân đập, tràn xả lũ; xây dựng mới cống lấy nước và kiên cố 3.500m kênh dẫn nước; theo kế hoạch, dự án được thực hiện từ tháng 10/2016 đến hết năm 2023. Đến hết năm 2021, dự án đã hoàn thành hạng mục nâng cấp 4 tuyến đường, sửa chữa nâng cấp 1 cụm hồ, kiên cố 2.300m kênh dẫn nước.
Để hỗ trợ phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, tỉnh đã triển khai các dự án sửa chữa, kè đê như: Dự án mở rộng đê Quỳnh Lâm kết hợp giao thông, thành phố Hòa Bình với tổng mức đầu tư 181,1 tỷ đồng; Dự án Kè chống sạt lở bảo vệ dân cư xóm Thanh Mai khu vực chợ Co Lương, xã Vạn Mai, huyện Mai Châu; Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8). Tất cả các công trình được triển khai thi công xây dựng hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng đã đáp ứng được các tiêu chí về phòng chống lũ bão, điều tiết nước thượng nguồn về hạ lưu khi mưa lớn kéo dài, đảm bảo an toàn hồ chứa và ổn định đời sống của nhân dân sau hạ lưu đập.
Để hỗ trợ ổn định đời sống dân cư, trong giai đoạn 2016 – 2020, nguồn vốn ngân sách được sử dụng hỗ trợ xây dựng nhà ở, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho 441 hộ dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai, tổng kinh phí hỗ trợ trên 100,78 tỷ đồng. Các hộ dân tại vùng bị ảnh hưởng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn là đối tượng được hưởng hỗ trợ từ nguồn vốn của Chương trình, tiêu chí xác định đảm bảo theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng chính phủ. Các hộ di chuyển đến khu tái định cư mới được đầu tư đầy đủ, đồng bộ các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: mặt bằng khu tái định cư, hệ thống điện, nước, đường giao thông, trường lớp học đảm bảo điều kiện sống thuận lợi hơn nơi ở cũ. Mặt khác, các hộ dân được hỗ trợ, đào tạo, dạy nghề phù hợp để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập... từ đó đời sống các hộ dân từng bước được cải thiện, học sinh được đến trường lớp học đầy đủ, không phải lo lắng về nguy cơ thiên tai như các năm trước. Công tác bố trí, ổn định dân cư các vùng thiên tai, vùng khó khăn được thực hiện cũng góp phần giảm tình trạng di cư tự do, phá rừng, đốt nương làm rẫy. Đặc biệt, chương trình bố trí dân cư được thực hiện đã giúp tăng cường và ổn định tình hình an ninh, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Quá trình phân bổ nguồn vốn phù hợp với cơ cấu nguồn vốn được cấp từ ngân sách trung ương, đảm bảo mức vốn và thời gian phân bổ theo quy định.
Nhìn chung, các dự án thuộc hợp phần hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp được thực hiện đúng quy định, mang lại hiệu quả thiết thực rõ rệt. Các dự án trong hợp phần hỗ trợ ổn định đời sống dân cư được sự đồng lòng chung sức của toàn thể người dân và chính quyền địa phương giúp người dân di chuyển nhà; sắp xếp quỹ đất để ổn định dân cư; huy động mọi nguồn lực hỗ trợ, ủng hộ để người dân ổn định nhà ở và đời sống.
Tuy nhiên, mức hỗ trợ đối với từng hộ dân còn thấp nên đời sống của các hộ dân sau khi di chuyển vẫn gặp nhiều khó khăn; nguồn lực bố trí cho chương trình còn hạn chế; công tác giải phóng mặt bằng và quỹ đất để thực hiện các dự án còn phức tạp, mặt khác chi phí giải phóng mặt bằng lớn gây khó khăn cho việc triển khai các dự án. Trong quá trình thực hiện, vướng mắc lớn nhất là nguồn vốn hỗ trợ, cùng với đó là các quy định, hướng dẫn lồng ghép, đan xen dẫn đến các nội dung triển khai khó phân tách cụ thể giữa các chương trình, nhiệm vụ. Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được giao không đáp ứng được nhu cầu vốn của các dự án theo tổng mức đầu tư và tiến độ dự án đã được phê duyệt. Việc cân đối, bố trí vốn cho các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hàng năm gặp nhiều khó khăn. Các dự án phải thực hiện điều chỉnh quyết định đầu tư để phân kỳ đầu tư phù hợp với kế hoạch trung hạn được giao làm kéo dài thời gian thực hiện dự án và phát sinh thêm các thủ tục hành chính. Do đó, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chương trình đề ra, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét tăng mức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân; Đối với các dự án hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và hỗ trợ phòng chống giảm nhẹ thiên tai, đề nghị Chính phủ xem xét tăng nguồn vốn bổ sung hỗ trợ. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo công tác bố trí dân cư vùng thiên tai và đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong những năm tiếp theo. Để có cơ sở hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển hàng năm từ 150 tỷ đến 200 tỷ để địa phương chủ động trong việc thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch dự án được duyệt./.