
Trong năm 2012, tổng số lượt khám và điều trị bệnh lao là 4.354 người, thực hiện xét nghiệm cho 3.882 trường hợp, trong đó phát hiện 219 bệnh nhân duơng tính với vi khuẩn lao. Tỷ lệ điều trị khỏi đạt trên 94,5%. Được biết, trong quá trình hoạt động Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh còn phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức khám sàng lọc tại cộng đồng ở huyện Kim Bôi. Đồng thời, tổ chức 3 lớp tập huấn về đào tạo cán bộ xét nghiệm cho cán bộ y tế tuyến huyện. Thực hiện truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về phòng chống bệnh lao tại huyện Kỳ Sơn cho các đối tượng là y tế thôn bản, hội phụ nữ, đoàn thanh niên và các trưởng thôn, xóm.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, phòng chống bệnh Lao thuộc chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Do vậy, bệnh nhân bị bệnh lao sẽ được khám và cấp thuốc điều trị miễn phí hoàn toàn. Song song với công tác phát hiện quản lý và điều trị, hoạt động Truyền thông Giáo dục sức khoẻ và nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng chống bệnh lao đã được triển khai một cách tích cực, như: mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống Lao, phối hợp với các ban, ngành tổ chức tuyên truyền tại phố, xóm, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Trao đổi với chúng tôi bác sỹ Nguyễn Thị Nga – Trưởng Khoa Lao Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh cho biết: Người mắc bệnh lao phổi nếu không được điều trị mỗi năm có thể làm lây bệnh cho ít nhất từ 10-15 người khác. Dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lao phổi là toàn thân sốt nhẹ về chiều, mệt mỏi, gây sút cân, chán ăn, đổ mồi hôi trộm, ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần kèm theo đau tức ngực, khó thở, nặng thì ho ra máu. Hiện nay, đa số bệnh nhân mắc bệnh lao đều là người nghèo, sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, sự hiểu biết về bệnh lao và cách phòng tránh còn hạn chế. Do đó, việc phát hiện bệnh nhân mới tức là phát hiện nguồn lây trong cộng đồng để quản lý và điều trị bệnh nhân còn nhiều trở ngại khó khăn. Thậm chí, người bị bệnh còn ngại không đi khám, khi đến cơ sở y tế bệnh đã nặng và nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng là rất lớn.
Để thay đổi nhận thức của người dân về công tác phòng chống lao thì công tác truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo kế hoạch năm 2013, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh sẽ phối hợp với 11 huyện, thành phố thực hiện mít tinh truyền thông ngày Thế giới phòng chống Lao 24/3; Tổ chức khám phát hiện chủ động và thụ động tại 20 xã, phường; tổ chức 20 lớp truyền thông trực tiếp tại cộng về phòng chống bệnh lao; tăng cường công tác truyền thông thực hiện tiêm vắc-xin phòng lao cho trẻ sơ sinh. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, đánh giá hoạt động phòng chống lao tại cơ sở để nâng cao hiệu quả phát hiện, quản lý và điều trị bệnh lao ở địa phương.
Được biết, chiến dịch phát động phòng chống Lao năm 2013 với chủ đề: "Vì một thế giới không còn bệnh lao" với khẩu hiệu "Hãy cùng nhau ngăn chặn bệnh lao trong cuộc sống của chúng ta" là thông điệp hành động đến năm 2015 và tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030.