Theo báo cáo, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã cơ bản cấy xong diện tích lúa Xuân theo kế hoạch (đạt trên 90%), một số địa phương như Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc đang tiếp tục cấy nốt diện tích lúa còn lại. Đối với diện tích lúa đã cấy cần duy trì mực nước trong ruộng từ 3-5cm để giữ ấm cho cây; tuyệt đối không bón thúc phân đạm trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 150C. Đối với diện tích lúa bị chết do rét cần sớm dặm lại và chăm sóc kịp thời khi thời tiết ấm. Chủ động chăm sóc, làm cỏ sục bùn, bón thúc phân khi thời tiết ấm trở lại, chú ý bổ sung thêm phân lân, kali cho lúa.
Với những diện tích chưa cấy cần ngừng cấy trong những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ dưới 150C. Chủ động che phủ nilon để phòng tránh rét cho mạ; tưới đủ nước và bón bổ sung phân phân lân, tro bếp để giữ ấm cho mạ. Chủ động chuẩn bị thêm lượng giống dự phòng để gieo mạ bổ sung trong trường hợp rét đậm rét hại kéo dài làm chết mạ hoặc lúa đã cấy, không để đất bị bỏ không do thiếu mạ; sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn (dưới 130 ngày) như VNR 20, Thiên ưu 8, MĐ1, LTH31, P6ĐB,...
Chủ động tu bổ, nạo vét kênh mương, tích nước tại các hồ đập đảm bảo đủ nước cho việc tưới dưỡng cho diện tích lúa đã cấy. Khuyến cáo nông dân bón phân cân đối, tăng cường phân hữu cơ hoai mục, phân lân, kali; đối với những vùng sử dụng phân NPK chứa lân chậm tan để bón lót trước cấy cần bón bổ sung thêm phân lân nung chảy (5-7 kg cho mỗi sào Bắc Bộ). Cần tập trung chăm sóc ngay sau cấy vào những ngày thời tiết ấm như bón thúc phân, làm cỏ sục bùn để cây lúa sớm hồi xanh, đẻ nhánh.
Bên cạnh đó thường xuyên kiểm tra dịch bệnh trên cây trồng, phòng trừ lan rộng.
Đối với cây rau màu: Không gieo trồng các cây rau màu khi thời tiết còn rét đậm, rét hại. Với diện tích rau, màu đã trồng tủ kín gốc bằng xác thực vật; tưới đủ nước hàng ngày, không để ruộng quá khô để hạn chế tác động của rét đậm, rét hại; ngừng bón thúc, đặc biệt là phân đạm trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. Ở vùng núi cao cần tưới phun rửa lá cây vào buổi sáng để hạn chế sương muối. Chủ động chăm sóc, bón phân khi thời tiết ấm trở lại, bón bổ sung thêm lân, kali và các phân bón có thành phần trung, vi lượng giúp cây nhanh hồi phục.
Đối với nhóm cây ăn quả: Cần có các biện pháp làm vòm nilon cho vườn cây giống, đặc biệt nơi có cường độ gió mạnh, xuất hiện rét đậm, rét hại và sương muối. Áp dụng các biện pháp bảo vệ vườn cây đang giai đoạn kiến thiết và thời kỳ kinh doanh như ủ gốc giữ ấm cho cây bằng vật liệu hữu cơ, tưới nước đủ ẩm. Khi có thời tiết sương muối, rét đậm, rét hại cần áp dụng các biện pháp chăm sóc tích cực như tưới phun lên tán cây để rửa sương muối vào sáng sớm.
Đối với chăn nuôi, đẩy mạnh tuyên truyền cho người chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi; sửa chữa, che chắn chuồng trại; có kế hoạch, phương án phòng chống đói rét, cho đàn vật nuôi. Chuẩn bị đầy đủ thức ăn thô, xanh như: rơm, rạ; thân cây ngô; ngọn mía, lá mía... lượng thức ăn dự trữ đáp ứng cho trâu, bò đảm bảo bình quân 20-30kg thức ăn thô xanh hoặc 5-7 kg rơm, cỏ khô/con/ngày; bổ sung thức ăn tinh, các loại khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho đàn vật nuôi trong những ngày giá rét.
Di chuyển đàn trâu, bò thả rông trên rừng về nuôi nhốt tại chuồng; trong những ngày giá rét, khi nhiệt độ xuống dưới 12°C không nên cho trâu, bò làm việc hoặc chăn thả tự do mà nuôi nhốt tại chuồng để quản lý và chăm sóc; sưởi ấm cho vật nuôi (đặc biệt gia súc non) trong những ngày giá rét để tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cho đàn gia súc. Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện khai báo đầy đủ đàn vật nuôi với chính quyền cấp xã theo quy định của pháp luật về chăn nuôi và làm cơ sở để cho việc hỗ trợ thiệt hại khi gia súc bị chết do đói rét…/.