DetailController

Khoa học - Môi trường

Chủ động các biện pháp phòng trừ dịch bệnh trên lúa

25/03/2011 00:00
Hiện nay, lúa xuân trà sớm, trà chính vụ đẻ nhánh rộ, trà muộn hồi xanh, bắt đầu đẻ nhánh. Đây là thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát. Do vậy, bà con nông dân triển khai nhanh các biện pháp phòng trừ các dịch bệnh ngay từ bây giờ để không ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Phóng viên Báo Hoà Bình đã phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Yến- Chi cục phó Chi cục bảo vệ thực vật xung quanh vấn đề này.
Hệ thống bẫy đèn ở xã Tu Lý (Đà Bắc) cảnh báo hiệu quả dịch bệnh trên lúa.

 

PV: Xin ông cho biết tình hình sâu bệnh vụ chiêm- xuân năm nay? 
 
Ông Nguyễn Hồng Yến: Đến thời điểm này đã xuất hiện tập đoàn rầy mật độ phổ biến 5-7 con/m2 cao 20- 40con/m2 ở các huyện. Có nơi xuất hiện rầy cám tuổi 1- 3, mức độ thấp ở Đà Bắc, Tân Lạc và Lạc Thuỷ. Ốc bươu vàng tỷ lệ hại phổ biến 3- 7 con/m2, cao 10- 30 con/m2. Cá biệt có ruộng trên 50 con/m2 ở Lương Sơn. Sâu cuốn lá nhỏ mật độ 0,5-1 con/m2, sâu tuổi 1- 3 có nơi trưởng thành tiếp tục vũ hoá ở Cao Phong, Mai Châu. Bọ trĩ mật độ phổ biến 10- 50 con/m2, bệnh nghẹt rễ xuất hiện gây hại trên những chân ruộng chua, cấy mạ già, cấy sâu tay, ruộng thiếu lân. Tỷ lệ phổ biến 3- 7% số dảnh, có ruộng 20- 25% số dảnh (ở Lạc Thuỷ) bệnh cấp 1-5. Dòi đục nõn hại rải rác trên lúa xuân trà sớm, chính vụ, giai đoạn đẻ nhánh. Sâu đục thân bướm hai chấm, bọ xít đen, châu chấu hại nhẹ. Chuột hại tăng trên các trà lúa, cây trồng hạn ở Lạc Thuỷ, Lạc Sơn.
    
PV: Dự báo nguy cơ dịch bệnh vụ chiêm- xuân này như thế nào, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Hồng Yến: Do thời tiết rét, toàn tỉnh có hơn 80% lúa cấy ở trà muộn nên đối tượng gây hại dễ phát triển thành dịch, chủ yếu là tập đoàn rầy phát triển lứa 3, sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 gây hại nặng trên diện rộng. Mặt khác cơ cấu giống lúa năm nay lúa lai chiếm trên 30% nên tỷ lệ nhiễm bệnh cao. Từ khi cấy đến nay, qua theo dõi bẫy đèn cho thấy có gió đông bắc nên lượng rầy di trú từ phía nam Trung Quốc và các tỉnh Nam Định, Thái Bình về nhiều. Ngoài ra còn nguồn rầy tàn dư lại các vụ trước. Vụ chiêm- xuân năm nay, ngoài các bệnh trên còn xuất hiện bệnh lùn xoắn lá, vàng lùn (vàng lá di động) do rầy xanh đuôi đen. Trong những ngày vừa qua, thời gian tới thời tiết tiếp tục mưa nhiều, độ ẩm cao nên làm cho bệnh đạo ôn phát triển.
 
PV: Xin ông cho biết những diện tích nhiễm bệnh có cho thu hoạch hay không?
 
Ông Nguyễn Hồng Yến: Từ những vụ trước, nhiều diện tích nhiễm bệnh lùn sọc đen vẫn cho năng suất bình thường. Không phải là bệnh không ảnh hưởng đến năng suất mà chúng ta đã triển khai các biện pháp phòng trừ hiệu quả, kịp thời. Nhiều bà con vẫn chủ quan cho rằng bệnh không ảnh hưởng đến năng suất. Do vậy, cần phải rút kinh nghiệm và triển khai các biện pháp phòng trừ ngay từ bây giờ.
 
PV: Vậy, bà con nông dân cần triển khai các biện pháp gì để phòng tránh dịch bệnh, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Hồng Yến: Đối với tập đoàn rầy, phun trừ những ruộng có mật độ rầy trên 2000 con/m2. Phun tập trung tại các ổ rầy, ruộng nhiễm rầy, không phun tràn lan cả cánh đồng. Những ruộng nhiễm rầy kèm hiện tượng vàng lá do thiếu dinh dưỡng cần kết hợp bổ sung các loại phân bón lá vi lượng. Phun thuốc trừ rầy nếu mất độ rầy trên 1.000 con/m2. Khi xử lý thuốc cần giữ mực nước ruộng ổn định. Tranh thủ phun thuốc vào buổi sáng khi trời khô sương hay vào chiều mát. Không phun thuốc khi nhiệt độ không khí trên 330C hay khi trời sắp mưa hoặc vừa mưa xong, lá lúa còn ướt. Khi phát hiện bệnh lùn sọc đen lúa ở giai đoạn dưới 30 ngày tuổi cần nhổ bỏ những dảnh, khóm bị bệnh và vùi sâu xuống bùn. Đồng thời, cấy dặm bằng cây lúa khỏe. Nếu lúa trên 30 ngày tuổi bệnh nặng, không còn khả năng phục hồi hoặc cho năng suất tiến hành tiêu huỷ cả ruộng bằng cách cày vùi và dọn sạch tàn dư, ký chủ còn sót lại. Trước khi cày tiến hành phun thuốc trừ rầy để tránh rầy mang mầm bệnh. Nếu chưa đến mức tiêu huỷ, sử dụng thuốc Buprofezin, Fenobucarb, Imidacloprid, Clothiabidin để phun. Không sử dụng các loại thuốc có phổ rộng vào đầu vụ như nhóm lân hữu cơ, nhóm cúc tổng hợp để tránh bùng phát rầy ở các lứa sau.
 
Đối với sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân bướm 2 chấm cần theo dõi sát mật độ trưởng thành, mật độ trứng và tỷ lệ ký sinh. Kết hợp các biện pháp thủ công như ngắt bỏ ổ trứng, rút bỏ dảnh héo, bông bạc ở những ruộng có mức độ gây hại nhẹ. Những ruộng đang làm đòng- trỗ bông cần phun trừ ngay nếu mật độ ổ trứng cao trên 0,3 ổ/ m2. Phun sớm ngay khi trứng mới nở, tuổi sâu còn non mới đạt hiệu quả cao. Những ruộng có mật độ ổ trứng cao trên 1ổ/m2 nhất thiết phải phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1từ 7-10 ngày. Ngoài ra, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng trừ chuột, ốc bươu vàng, đạo ôn, khô vằn…
 
PV: Xin cảm ơn ông.