Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm, tác hại của dịch bệnh động vật và lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi để người dân chủ động phối hợp phòng chống; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại các cơ sở và môi trường chăn nuôi, những khu vực có nguy cơ cao bằng các loại hóa chất sát trùng, vôi bột nhằm tiêu diệt mầm bệnh.
Tổ chức thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi, số lượng vật nuôi thuộc diện tiêm phòng đối với từng bệnh của địa phương; chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương thực hiện tốt các nội dung theo Công văn số 430/SNN-CNTY, ngày 02/3/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chủ động triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ Xuân Hè năm 2023. Báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh và kết quả công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi của địa phương theo quy định (Riêng đối với tiêm vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, chỉ thực hiện khi có chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hướng dẫn của Cục Thú y).
Rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn động vật nuôi, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc xin; thường xuyên tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm mới phát sinh và tổ chức tiêm lại đối với các cơ sở tiêm phòng có tỷ lệ thấp, chưa đạt yêu cầu.
Chủ động triển khai công tác giám sát dịch bệnh động vật để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, không để lây lan diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng.
Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, giết mổ, tiêu thụ động vật mắc bệnh, động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, nghi nhập lậu trái phép từ các địa phương khác vào địa bàn.
Giao Chi cục Chăn nuôi và thú y phối hợp với các phòng ban chức năng của địa phương kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp báo cáo về việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra (báo cáo tình hình dịch bệnh động vật qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) theo đúng quy định hiện hành)./.