DetailController

Trồng trọt

Chủ động phòng trừ một số đối tượng dịch hại chính trên cây Lúa vụ Mùa năm 2024

29/07/2024 15:05
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến nay, Lúa vụ Mùa năm 2024 đã cấy được khoảng 21.500ha/21.750ha, đạt khoảng 99% diện tích. Tuy nhiên, một số đối tượng sinh vật gây hại như: Tập đoàn rầy, bệnh khô vằn, nghẹt rễ - ngộ độc hữu cơ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh bạc lá- đốm sọc vi khuẩn, chuột,… đang có xu hương tăng dần mật độ và tỷ lệ hại.

Dự báo từ Trung tâm Khí tượng thủy văn trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng phát triển của cây Lúa, cũng như diễn biến phát sinh gây hại của dịch hại và có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng phát triển và năng suất Lúa nếu không phòng trừ kịp thời. Để chủ động trong công tác chỉ đạo sản xuất và phòng trừ dịch hại, ngày 26/7/2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ban hành Công văn số 354/TTBVTV về chủ động phòng trừ một số đối tượng dịch hại chính trên cây Lúa vụ Mùa năm 2024.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các cơ quan chuyên môn cấp huyện tăng cường bám sát địa bàn chỉ đạo và hướng dẫn nông dân tăng cường bám sát đồng ruộng, nắm chắc diễn biến, xu hướng phát triển của bệnh. Phân cấp tuổi sâu, xác định chính xác thời điểm trưởng thành rộ cho từng khu vực, xác định mật độ trứng, tỷ lệ đã nở, tỷ lệ ký sinh để dự báo xu hướng mật độ sâu thời gian tới, giúp cơ sở phòng trừ hiệu quả. Đồng thời phân loại từng trà Lúa, từng cánh đồng, xác định diện tích Lúa bị sâu, bệnh hại cần phải phòng trừ hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

Việc triển khai các biện pháp phòng trừ như sau:

Đối với hiện tượng nghẹt rễ, ngộ độc hữu cơ cần tiến hành làm cỏ kết hợp sục bùn, để lắng sau 3-5 tiếng thì tháo cạn nước, cho ruộng khô 2-3 ngày rồi lấy nước vào. Khi Lúa đã hồi xanh trở lại, bắt đầu ra lá mới, nhổ cây lúa thấy các rễ trắng nhú ra (khoảng 7-10 ngày sau xử lý), tiến hành bón thúc phân trở lại để cây Lúa phát triển tốt. Trường hợp không có điều kiện làm cỏ sục bùn, bà con tiến hành rút nước khỏi ruộng 2-3 ngày hoặc dài hơn tùy thời điểm sinh trưởng của Lúa cho đến nứt chân chim thì lấy nước trở lại và chăm sóc theo đúng quy trình. Nếu ruộng khó thoát nước, ruộng sâu trũng, cần bón thêm 10-15kg vôi bột và 10-15kg phân lân nung chảy/sào kết hợp làm cỏ, sục bùn để giải phóng bớt khí độc trong đất, nhất là vùng rễ cho cây Lúa. Khi cây phục hồi trở lại có thể bổ sung các phân bón qua lá giúp cây phục hồi nhanh, sinh trưởng phát triển tốt.

Đối với Tập đoàn rầy, chỉ áp dụng phòng trừ rầy bằng biện pháp hóa học trên những ruộng có mật độ rầy cao trên 2.000 con/m2; phun tập trung tại các ổ rầy, các ruộng nhiễm rầy, không phun thuốc tràn lan. Trường hợp ruộng Lúa nhiễm rầy kèm hiện tượng vàng lá do thiếu dinh dưỡng, hay do ngộ độc đất, cần kết hợp phun trừ rầy với việc xử lý vàng lá. Phun thuốc trừ rầy nếu mật độ rầy trên 1.500 con/m2. Lúa giai đoạn đứng cái - phân hóa đòng sử dụng một trong các loại thuốc, như: Amira 25WG, Brimgold 200Wp, Vithoxam 350SC, Cheestar 50WG, Goldra 250WG,… hay những thuốc khác có danh mục được sử dụng tại Việt Nam có đăng ký trừ rầy. Phun theo nồng độ, liều lượng khuyến cáo ghi trên bao bì. Lúa giai đoạn ôm đòng - trỗ bông, phơi màu sử dụng một trong các loại thuốc tiếp xúc như: Nibas 50EC; Comda Gold 5WG, Mopride 20WP; Bassa 50EC, Mofitox 40EC, 10WP... Phun theo nồng độ, liều lượng khuyến cáo ghi trên bao bì. Khi phun phải rẽ Lúa, lùa vòi phun xuống dưới đảm bảo để thuốc tiếp xúc trực tiếp với rầy cư trú. Nếu phun xong mật độ rầy vẫn còn cao phải phun lại lần 2, cách lần 1 từ 3-5 ngày, những ruộng phun xong gặp mưa cần tiến hành phun lại.

Đối với bệnh lùn sọc đen phương Nam, cần chủ động điều tra phát hiện bệnh lùn sọc đen và rầy lưng trắng, đặc biệt lưu ý sau các đợt mưa bão để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Khi phát hiện cây lúa bị lùn sọc đen cần nhổ, vùi xuống ruộng. Trường hợp trên ruộng lúa đã bị bệnh, có rầy lưng trắng thì tiến hành phun thuốc trừ rầy trên ruộng đó và các ruộng xung quanh. Những ruộng đã bị bệnh trong vụ mùa cần tiêu hủy tàn dư ngay sau khi thu hoạch, cày lật ngay để hạn chế lúa chét, không trồng ngô đông và những cây họ hòa thảo nhằm cắt đứt nguồn bệnh trên đồng ruộng, hạn chế sự lây nhiễm cho vụ sau. Việc tiêu hủy cả ruộng lúa bị bệnh chỉ thực hiện khi ruộng lúa không còn khả năng cho năng suất. Trước khi tiêu hủy phun thuốc trừ rầy bằng loại thuốc tiếp xúc.

Đối với bệnh khô vằn, bệnh xuất hiện và gây hại ngay từ giữa tháng 7 cao điểm gây hại từ 20/8 - 20/9 trên tất cả các trà Lúa hại mạnh trên các chân ruộng cấy dày, bản lá rộng, bón phân không cân đối. Những ruộng bị bệnh cần giữ đủ nước, không bón đạm hoặc phun phân bón lá có chứa đạm, có thể sử dụng một trong các thuốc: Tilt super 300EC, Vanicide 5SL, Dibazole 5SC, Nevo 330EC, Grandgold 80SC, Kansui 21,2WP,... Phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Với những ruộng bệnh nặng cần phun kép 2 lần, lần 1 cách lần 2 từ 3-5 ngày, những ruộng phun xong gặp mưa cần tiến hành phun lại.

Đối với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Với những diện tích lúa chưa xuất hiện bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn cần, thường xuyên thăm đồng, điều tra theo dõi, phát hiện bệnh sớm, dự báo chính xác để kịp thời xử lý. Kết hợp chăm sóc, bón phân cân đối đặc biệt chú ý bón đủ lượng Kali, điều tiết nước phù hợp để cây lúa sinh trưởng khỏe, tăng sức chống chịu. Với những diện tích gieo cấy giống nhiễm, vùng ổ bệnh cũ có thể sử dụng một trong các thuốc Fujimin 20SL, 50WP, Golcol 20SL, 50WP, Kamycinusa 75SL, 76WP,... để phun phòng, hay những thuốc khác có danh mục được sử dụng tại Việt Nam có đăng ký trừ đối tượng này. Phun theo hướng dẫn in trên bao bì. Với những ruộng bị bệnh cần giữ đủ nước, tạm dừng bón đạm hoặc phun phân bón lá có chứa đạm hay chất kích thích sinh trưởng và có thể sử dụng một trong các thuốc: Starner 20WP, Norshield 86.2WG; Apolits 20WP, 30WP, 40WP, Aliette 800 WG, Starsuper 10SC, 20SL, 20WP, 21SL, Saipan 2SL để phun trừ, hay những thuốc khác có danh mục được sử dụng tại Việt Nam có đăng ký trừ đối tượng này. Phun theo hướng dẫn in trên bao bì, những ruộng bệnh nặng cần phun kép 2 lần, lần 1 cách lần 2 từ 2-3 ngày, những ruộng phun xong gặp mưa cần tiến hành phun lại.

Đối với sâu cuốn lá: Trên diện tích lúa giai đoạn đứng cái - phân hóa đòng (thời gian từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8), xử lý những ruộng có mật độ sâu non trên 50 con/m2. Trên diện tích Lúa ôm đòng hay mới trỗ (từ 15/8 - 10/9): Xử lý những ruộng có mật độ sâu non trên 20 con/m2. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Virtako® 40WG, Goldmectin 36EC, Mectinstar 20EC, Emalusa 50,5WSG, Netoxin 18SL,... Phun theo nồng độ, liều lượng hướng dẫn trên bao bì. Thời điểm phòng trừ tốt nhất khi sâu tuổi 1-3 (sau khi trưởng thành vũ hóa rộ 7-10 ngày) nếu phun xong mật độ sâu vẫn còn cao phải phun lại lần 2, cách lần 1 từ 3-5 ngày.

Đối với sâu đục thân: Sâu non lứa 4, 5 gây dảnh héo, bông bạc trên các trà lúa, hại mạnh từ trung tuần tháng 9, có thể sử dụng các biện pháp thủ công như: Sử dụng bẫy đèn thu bắt trưởng thành, dút dảnh héo, bông bạc, ngắt ổ trứng đem tiêu hủy để hạn chế sự gây hại của sâu đục thân trên đồng ruộng. Đối với lúa giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái, xử lý những ruộng có tỷ lệ dảnh héo >10% hoặc 0,5 ổ trứng/m2. Đối với lúa lúa giai đoạn đòng trỗ, tiến hành xử lý khi tỷ lệ dảnh héo 5% hoặc 0,3 ổ trứng/m2. Thời điểm phòng trừ tốt nhất khi sâu tuổi 1-3, sau khi trưởng thành vũ hóa 7-10 ngày, có thể sử dụng một số thuốc như: Virtako 40WG; Voliam Targo 063SC; Radiant 60SC,.. hay những thuốc khác có danh mục được sử dụng tại Việt Nam có đăng ký trừ đối tượng này.

Đối với chuột hại, vệ sinh phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ dại quanh bờ và mương để hạn chế nơi ẩn náu và và làm ổ sinh sản của chuột. Khi có chuột gây hại, huy động các xứ đồng xử lý đánh bắt chuột đồng loạt, có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Rat-K 2%DP, Killmou 2.5DP, Ran part 2 % DS, 0.6AB, Klerat 0,05 %, Storm 0,005 %,... Ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít độc hại với môi trường, dùng theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

Ngoài ra chú ý một số đối tượng dịch hại khác như: Bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bọ xít dài, nhện gié, bệnh thối thân vi khuẩn,… thường xuyên kiểm tra đồng ruộng có biện pháp phòng trừ kịp thời tránh để dịch hại phát triển và lây lan thành dịch.

Những vướng mắc phát sinh trong quá trình chỉ đạo sản xuất, đề nghị thông tin kịp thời về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để phối hợp giải quyết./.