Để chủ động trong công tác phòng trừ, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bệnh đạo ôn gây ra; ngày 04/4/2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ban hành Công văn số 123/TTBVTV-NVCM về việc chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa vụ Xuân 2023. Theo đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các cơ quan chuyên môn cấp huyện hướng dẫn nông dân tăng cường bám sát đồng ruộng, phân vùng giống nhiễm, nắm chắc diễn biến, xu hướng phát triển của bệnh để phòng trừ kịp thời. Với những ruộng lúa bị bệnh, cần giữ đủ nước, dừng bón phân đạm, các chất kích thích sinh trưởng hay phân bón lá có chứa đạm. Khi lúa bị bệnh có thể sử dụng một trong các thuốc như: Amistar Top® 325SC; Fuji-One 40EC, 40WP; Chubeca 1.8SL; Antracol 70WP; Flintpro 648 WG; Filia® 525SE; Beam 75WP; Trizóle 20WP, 75WP, 75WG; Carben 50WP, 50SC; Bulny 850WP; Abenix 10SC; Bendazol 50WP; Difusan 40EC; Fuan 40EC; Fu-army 30WP, 40EC; Taiyou 20SC,...hoặc các thuốc khác có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam đăng ký trừ bệnh đạo ôn hại lúa, phun theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì. Với những ruộng bị nặng, phun lại lần 2 sau lần 1 từ 2-3 ngày.
Những diện tích cấy các giống nhiễm (BC15, TBR 225, Thiên ưu 8, Nhị ưu 838, nếp... ); vùng ổ bệnh cũ và diện tích xung quanh những ruộng bị bệnh đạo ôn lá gây hại cần phun phòng bệnh bằng một trong các thuốc nêu trên. Với những diện tích lúa đã nhiễm bệnh đạo ôn lá; những nơi cấy các giống nhiễm (BC15, TBR 225, Thiên ưu 8, Nhị ưu 838, nếp) cần phun phòng đạo ôn cổ bông khi lúa bắt đầu trỗ và phun lại lần 2 sau lần 1 khoảng 7 ngày bằng một trong các loại thuốc nêu trên.
Thời điểm phun trừ bệnh đạo ôn lá tốt nhất từ nay đến trước ngày 07 tháng 4 năm 2023. Tranh thủ phun thuốc vào buổi sáng khi trời khô sương hay vào chiều mát. Không phun thuốc khi nhiệt độ không khí trên 330C hay khi trời sắp mưa hoặc vừa mưa xong, lá lúa còn ướt. Những ruộng phun xong gặp mưa (trong vòng 12 giờ) phải phun lại.
Ngoài bệnh đạo ôn cần lưu ý một số đối tượng sâu bệnh như: Chuột, tập đoàn rầy, sâu đục thân 2 chấm, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả./.