DetailController

Chăn nuôi

Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

18/06/2024 15:31
Theo số liệu báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, tổng đàn trâu của tỉnh hiện có 109.863 con bằng 96,58% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò hiện có 91.655 con bằng 101,65% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn lợn của tỉnh hiện nay là 479.522 con so với cùng kỳ năm trước bằng 104,98%; tổng đàn gia cầm 8.886 nghìn con so với cùng kỳ năm trước bằng 104,4%.
Tuyên truyền để người dân chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong nông hộ

Toàn tỉnh hiện có 41 trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Trong đó có 03 trang trại chăn nuôi gà giống, 06 trang trại chăn nuôi gà thịt; 30 trang trại chăn nuôi lợn giống và lợn thịt; 02 trang trại chăn nuôi bò. Bên cạnh đó hiện đang có nhiều các trang trại chăn nuôi quy mô vừa, quy mô nhỏ phát triển chăn nuôi một số giống vật nuôi của địa phương như: Gà Lạc Thủy, Gà Lạc Sơn, Dê và lợn bản địa….

6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại 18 xã, (hiện có 06 ổ dịch đã qua 21 ngày không xuất hiện lợn ốm chết) của 06 huyện, thành phố, tổng số lợn ốm, chết phải tiêu hủy là 1.278 con, trọng lượng tiêu hủy là 41.190 kg. Bệnh Lở mồm long móng xảy ra 02 ổ dịch tại huyện Lạc Sơn. Ghi nhận 02 trường hợp tử vong do bệnh Dại. Các loại dịch bệnh khác như: đối với trâu, bò Tụ huyết trùng; đối với lợn - Dịch tả lợn cổ điển, phó thương hàn; đối với gia cầm - Niu-cat-xơn, Viêm thanh khí quản gia cầm...vẫn xảy ra lẻ tẻ nhưng đều được khống chế kịp thời, không để dịch lây lan ra diện rộng.

Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các địa phương kịp thời triển khai các biện pháp xử lý các ổ dịch. Chủ động huy động nguồn lực của địa phương để triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định (khoanh vùng, bao vây xử lý ổ dịch triệt để không để lay lan diện rộng). Cách ly động vật mắc bệnh; tổ chức tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch và vùng nguy cơ cao đối với ổ dịch bệnh Lở mồm long móng; điều trị triệu chứng, nghiêm cấm chăn thả gia súc bị bệnh; tăng cường các biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng. Triển khai các biện pháp vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, diệt mầm bệnh bằng các loại thuốc sát trùng, vôi bột,... Đẩy mạnh công tác thông tin tuyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về tính chất nguy hiểm, tác hại của dịch bệnh gia súc, gia cầm; các biện pháp phòng, chống để người chăn nuôi biết và chủ động thực hiện (không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, vứt xác động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh ra môi trường). Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo nuôi; bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng đạt 80% tổng đàn trở lên; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo thuộc diện tiêm phòng trong diện tiêm trên địa bàn; cấp giấy chứng nhận tiêm phòng dại cho chó, mèo đã được tiêm phòng….

Theo nhận định từ giờ tới cuối năm, nguy cơ tái phát và lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt là một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Cúm gia cầm, LMLM, Dịch tả lợn châu Phi,...Do đó, cần tích cực, chủ động tổ chức thực hiện tốt các Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho động vật nuôi. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở; chủ động giám sát, phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng thành công các chuỗi, cơ sở chăn nuôi động vật an toàn dịch bệnh; bảo đảm an toàn thực phẩm và các hoạt động thương mại, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh động vật đối với sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn; tổ chức thực hiện hiệu quả công tác tiêm phòng vắc xin các loại cho đàn gia súc, gia cầm nhằm tạo miễn dịch chủ động ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan. Sử dụng các nguồn lực, huy động nhân lực tại chỗ và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý triệt để dứt điểm ổ dịch khi mới phát, không để dịch lây lan trên diện rộng. Thường xuyên kiểm tra tình hình dịch bệnh tại các khu vực có mật độ chăn nuôi cao, nơi có ổ dịch cũ và có nguy cơ phát sinh dịch nhằm phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý kịp thời. Lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm để xác định chính xác dịch bệnh, đồng thời tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng khu dân cư bằng nhiều hình thức về tác hại và tính chất nguy hiểm của dịch bệnh động vật nuôi; phổ biến, nhân rộng các mô hình thực hiện chăn nuôi tốt và hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh... để người chăn nuôi chủ động phối hợp thực hiện./.