DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Chủ động phòng, chống châu chấu hại tre nứa và cây nông nghiệp

19/06/2024 16:30
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, các loài châu chấu gây hại trên tre nứa và cây nông nghiệp phổ biến là loài châu chấu mía (Hieroglyphus tonkinensis). Theo kết quả điều tra phát hiện của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, loài châu chấu mía xuất hiện sớm hơn cùng kỳ năm 2023 gây hại trên rừng luồng, bương... với diện tích ảnh hưởng khoảng 7,0 ha tại huyện Tân Lạc, và Cao Phong (xóm Chiềng, xóm Mu xã Thung Nai, huyện Cao Phong; xóm Đạy, xóm Ong, xóm Thung xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc). Từ cuối tháng 4/2024, đàn châu chấu di chuyển xuống gây hại trên lúa, ngô (xóm Chiềng, xã Thung Nai); tuy nhiên đã được khoanh vùng và phòng trừ kịp thời không để lây lan trên diện rộng.

Hiện nay, mật độ châu chấu đã giảm mạnh, châu chấu đang giai đoạn trưởng thành, bắt đầu giao phối - đẻ trứng. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết phức tạp, châu chấu mía sẽ có nguy cơ bùng phát, gây hại mạnh trong những năm tiếp theo nếu không có các biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Để chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do châu chấu gây ra trong thời gian tới, ngày 17/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 1367/SNN-TTBVTV về việc chủ động phòng chống châu chấu hại tre nứa và cây nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chủ động triển khai thực hiện một số giải pháp sau: Tăng cường rà soát, xác định và khoanh vùng những nơi châu chấu thường tập trung giao phối, đẻ trứng từ nay đến cuối tháng 7/2024 tại các vùng hại cũ (tập trung tại các xã và phụ cận: xã Quang Tiến, TP Hòa Bình; xã Cao Sơn huyện Lương Sơn; xã Suối Hoa huyện Tân Lạc; xã Bình Thanh, Thung Nai huyện Cao Phong; xã Vạn Mai huyện Mai Châu; xã Tú Lý huyện Đà Bắc); theo dõi chặt chẽ phạm vi gây hại, hướng di chuyển, khu vực đẻ trứng... để chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về vật tư, nhân lực, sẵn sàng cho công tác phòng trừ năm tiếp theo.

Phối hợp với truyền thông địa phương để thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng kiểm tra sự xuất hiện và gây hại của châu chấu non; thông báo kịp thời đến cơ quan chuyên môn để chủ động các giải pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả, tránh tình trạng phun thuốc hóa học tràn lan gây lãng phí thuốc và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Tăng cường công tác điều tra, dự báo trên cơ sở theo dõi diễn biến phát dục của trứng châu chấu trên thực địa và trong phòng thí nghiệm (từ đầu tháng 3 hàng năm) để dự báo sớm thời điểm phát sinh, giúp người dân chủ động phòng trừ sớm ngay từ khi trứng mới nở, châu chấu non sống quần tụ. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về diễn biến và kết quả phòng chống châu chấu mía theo quy định để phối hợp chỉ đạo kịp thời.

Giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật làm đầu mối tham mưu; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp kỹ thuật phòng chống châu chấu mía; đôn đốc việc kiểm tra, giám sát, điều tra phát hiện và công tác chỉ đạo phòng trừ; tổng hợp báo cáo khi có yêu cầu./.