Theo kết quả điều tra phát hiện của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho thấy: thời gian vừa qua trên địa bàn huyện Kim Bôi, Tân Lạc xuất hiện đối tượng sâu đo gây hại trên cây keo, cây lim; tỷ lệ bị hại phổ biến khoảng 20 - 25% lá, cục bộ từ 70 - 90% lá, diện tích nhiễm trên cây keo 15ha (xã Kim Lập, huyện Kim Bôi); diện tích nhiễm trên cây lim 20ha (xã Phong Phú, huyện Tân Lạc). Để chủ động phát hiện, phòng ngừa sự lây lan, gây hại của loài sâu này. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hòa Bình đề nghị các đơn vị phối hợp thực hiện một số nội dung sau:
Tuyên tuyền, phổ biến đặc điểm nhận biết, tập tính gây hại và biện pháp phòng trừ như sau:
Tên khoa học: Sâu đo (Biston suppressaria Guenée), thuộc họ Sâu đo (Geometridae), bộ Cánh vẩy (Lepidoptera)
Đặc điểm hình thái:
Trưởng thành: Trưởng thành cái dài từ 5,81 đến 6,25cm, sải cánh rộng 60 - 70mm, râu đầu hình sợi chỉ, mắt kép màu đen trưởng thành có màu trắng phớt xám, cánh trước và cánh sau viền mép cánh màu nâu vàng và mặt dưới cánh trước có những chấm nhỏ màu đen. Trưởng thành đực dài từ 4,32cm đến 4,98cm, sải cánh rộng 40 - 50mm, râu đầu hình răng lược kép, cánh màu trắng hơi xám có chấm nhỏ màu đen, cánh trước và cánh sau viền mép cánh màu nâu vàng. Mặt trên cánh mỗi bên có một dải mảnh màu xám đen, mặt sau cánh trước có một điểm tròn màu đen to.
Trứng: Màu xanh lơ sau chuyển màu xám đen.
Sâu non: Có 5 tuổi, 3 đôi chân ngực, 2 đôi chân bụng; tuổi 1: dài 0,30 từ 0,53cm, màu nâu; tuổi 2: dài 0,62 từ 0,74cm, màu nâu đen; tuổi 3: dài 0,71 từ 0,92cm, màu nâu đen; tuổi 4: dài 0,84 từ 0,94cm, màu xám phớt xanh; tuổi 5: dài 0,50 từ 0,62cm, màu xám phớt xanh. Hai bên sườn có lỗ thở màu đỏ nằm nổi bật trên mỗi đốt, riêng chấm ở đốt ngực thứ nhất màu nhạt hơn (màu cam nhạt), đầu xẻ rãnh chia làm 2 thùy, mặt trước đầu lõm hình tam giác, đuôi màu nâu đỏ có 3 gai thịt nhọn, mặt trên đuôi có các đốm trắng nhỏ. Chân ngực và chân bụng màu đỏ cam.
Nhộng: Màu nâu đen, dài 20 - 23mm, rộng 9,0mm, đuôi nhộng có gai nhọn đầu gai chẻ làm hai, có ba đôi lỗ thở trên thân, đầu có hai gờ ở trên và hai gai ở dưới, nhộng cái có kích thước lớn hơn nhộng đực.
Quy luật phát sinh gây hại: Sâu non gây hại bằng cách cắn phá. Sâu non mới nở thường chỉ ăn phần biểu bì lá và ăn từ mép lá vào trong, tuổi lớn hơn sâu ăn toàn bộ lá kể cả gân lá. Sâu ăn lá làm giảm tăng trưởng của rừng. Sâu non di chuyển bằng cách nhả tơ để nhờ gió đưa đến cành, cây khác. Sâu non thường hoạt động mạnh vào ban ngày, trước khi lột xác sâu non ít ăn, hoạt động chậm, sau đó di chuyển xuống đất ở độ sâu 2,5cm-5cm để hóa nhộng.
Sâu trưởng thành sau khi vũ hóa di chuyển khá chậm chạp và thường đậu tại nơi gần nhộng để nghỉ ngơi. Sau đó sâu trưởng thành cái tiết chất dẫn dụ sinh dục cùng với sâu trưởng thành đực ghép đôi rất nhanh, giao phối xong con cái tìm nơi đẻ trứng. Trứng thường được đẻ thành từng đám, vị trí đẻ trứng thường ở thân, cành cây chỗ được che bóng.
Trong năm, sâu thường xuất hiện 5 đợt: Đợt 1 từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3; Đợt 2 từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5; Đợt 3 trong tháng 7; Đợt 4 giữa tháng 9 đến đầu tháng 10; Đợt 5 từ giữa tháng 11 đến tháng 12.
Biện pháp quản lý:
Biện pháp canh tác: Áp dụng thường xuyên các biện pháp chăm sóc và vệ sinh rừng trồng trong suốt chu kỳ sinh trưởng hàng năm của cây theo đúng quy trình kỹ thuật.
Biện pháp bẫy đèn: Thời gian thực hiện vào lúc 6 giờ tối (mùa đông) và 7 giờ tối (mùa hè), thời điểm đặt bẫy khi sâu trưởng thành xuất hiện. Tiến hành thu bắt vào buổi sáng hôm sau.
Biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học: Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học có thành phần nấm Beauveria bassiana hoặc Metarhizium anisopliae... để phòng trừ ở giai đoạn sâu non từ tuổi 1-3 vì thời điểm này sâu non sống tập trung trên tán lá, di chuyển chậm và sức chịu đứng kém cho nên phun thuốc đế phòng trừ sẽ hiệu quả.
Lưu ý là phun thuốc vào buổi chiều mát, điều kiện thích hợp cho bào tử và hệ sợi phát triển tốt ở nhiệt độ từ 20 - 25°c và ẩm độ từ 80 - 90% kết hợp có gió nhẹ. Khuyến khích các hoạt động bảo vệ quần thể thiên địch của sâu đo ăn lá như các loài: bọ ngựa nâu xám (Mantis sp.), bọ ngựa xanh Trung bộ (Creobroter apicalis) và 2 loài ký sinh là Ruồi ba vạch (Exorista sorbillans), nấm bạch cương (Beauveria bassiana)...
Biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học: Tiến hành phun thuốc khi sâu tuổi 1-3, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có các hoạt chất như Cypermethrin hoặc Emamectin benzoate... Đặc biệt lưu ý phun thuốc vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối (nếu trời không mưa).
Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, sử dụng luân phiên các loại thuốc và ưu tiên các thuốc đặc hiệu, thuốc chọn lọc có tác động tiếp xúc, ít độc hại với người, gia súc, thời gian phân hủy ngắn và ít ảnh hưởng đến môi trường. Không sử dụng thuốc hóa học ở những khu dân cư, gần nguồn nước, ao hồ.
Đề nghị Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tổ chức triển khai điều tra sự phân bố, mật độ, tỷ lệ hại sâu hại cây lâm nghiệp; báo cáo nhanh tình hình, diễn biến sinh vật gây hại rừng để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. (tài liệu kèm theo: Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8927:2013 phòng trừ sâu hại cây rừng; QCVN 01-38:2010/BNNPTNT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương pháp điều tra phát hiện dịch hại cây trồng; Quyết định số 884/QĐ-BVTV-KH ngày 31 tháng 3 năm 2023 về việc công nhận tiến bộ kỹ thuật lĩnh vực bảo vệ thực vật).
Trong những trường hợp cần thiết, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chủ động trích ngân sách dự phòng để hỗ trợ vật tư, phương tiện giúp nông dân phòng trừ đối tượng sâu hại cây lâm nghiệp, tránh lây lan bùng phát trên diện rộng./.