Tại các cơ quan, đơn vị, việc xây dựng, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định về ngăn chặn, phê phán, bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập được chú trọng. Trước xu thế toàn cầu hoá, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các thế lực thù địch, phản động chống đối ở ngoài nước cấu kết với đối tượng cơ hội chính trị trong nước tăng cường tuyên truyền chống phá Đảng, nhà nước ta qua mạng xã hội. Đây là đòn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hoá, nhằm chia rẽ đoàn kết các dân tộc, hạ uy tín lãnh đạo của Đảng, nhà nước ta trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là bộ phận nhân dân còn thiếu thông tin ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình đó, để làm tốt công tác định hướng tư tưởng, tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các ngành chức năng quan tâm, thành lập nhóm phản biện, tích cực đấu tranh với quan điểm sai trái trên các trang mạng xã hội, nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của văn hoá phẩm độc hại, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.
Để chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống được tập trung chỉ đạo, điều chỉnh phù hợp với từng đối tượng trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chú trọng công tác quản lý nhà nước đối với các sản phẩm và dịch vụ văn hoá, xây dựng môi trường sống văn minh, lành mạnh, quan tâm đến sự phát triển của nhân tố con người. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, sở, ngành đã gắn việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW với các văn bản chỉ đạo về hoạt động văn hoá và an ninh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác truyên truyền các văn bản của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn Thanh niên đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa, kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tích cực, chủ động, giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng làng, bản, khu phố văn hoá, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, định hướng hưởng thụ lành mạnh, chăm lo đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân. Các cơ quan báo chí của tỉnh đã chủ động mở các chuyên trang, chuyên mục và sử dụng hệ thống truyền thanh ở cơ sở để phản ánh gương điển hình tiên tiến của các tập thể, cá nhân trong việc xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng con người Hòa Bình văn minh, lịch sự.
Tuy nhiên, hiện nay sự bùng nổ thông tin, các trang mạng xã hội, facebook, trang thông tin cá nhân,... gây khó khăn cho quản lý, kiểm soát. Các thế lực thù địch, chống đối Đảng và nhà nước, bọn cơ hội chính trị lợi dụng phát tán các sản phẩm văn hóa độc hại trên không gian mạng. Trong khi cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng,... dẫn đến việc nhận thức, hưởng thụ, thanh lọc các sản phẩm văn hóa còn có sự khác nhau, gây những tác động xấu trong một bộ phận người dân. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, quản lý văn hoá còn yếu; công tác lý luận và phê bình văn học nghệ thuật còn thiếu; lực lượng thanh tra, kiểm tra còn mỏng, chưa triển khai được thường xuyên, trong khi việc thẩm định nội dung vi phạm còn khó khăn, mất nhiều thời gian; chưa có biện pháp để theo dõi sát tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Mức xử phạt hành chính đối với một số vi phạm còn thấp, chưa có tác dụng răn đe…/.