Uỷ ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt quy hoạch điều chỉnh, bổ sung cây có múi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đạt khoảng 12.100 ha và định hướng đến năm 2025 khoảng 17,5 ngàn ha. Việc thúc đẩy phát triển cây ăn quả có múi là nhiệm vụ trọng tâm trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Một số cơ chế chính sách đã bàn hành và triển khai như: Hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất cây có múi với mức 20 triệu/ha, hỗ trợ toàn bộ chi phí chứng nhận VietGAP theo Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ngày 27/4/2015. Tổng kinh phí hỗ trợ đã giải ngân từ 2015 đến nay đạt gần 40 tỷ đồng; Hỗ trợ chi phí vận chuyển sản phẩm cây có múi tiêu thụ tại thị trường ngoại tỉnh là 1.500/tấn/km theo Quyết định 33/2015/QĐ-UBND, ngày 4/11/2015; Bình tuyển, công nhận được 41 cây đầu dòng của các giống cây có múi chủ lực, đang làm hồ sơ bình tuyển công nhận cho 240 cây cam, quýt các loại; Tổ chức thực hiện 4 chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm quả có múi với kinh phí 4,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh tích cực xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm, triển khai giới thiệu sản phẩm tại thị trường tiêu thụ chủ lực; có chính sách hỗ trợ cho công tác xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực nhằm tăng giá trị của sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, giữ vững giá trị của các sản phẩm cây có múi. Một số hoạt động đã triển khai như Lễ hội cam Cao Phong hàng năm, tuần lễ cam Cao Phong tại Hà Nội….tổ chức các buổi làm việc, hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đã góp phần tích cực tăng nhanh tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ qua hợp đồng với các khách hàng lớn; khảo sát, tìm kiếm thị trường tiềm năng xuất khẩu; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản phục vụ người sản xuất.
Giai đoạn 2010 – 2013 sản phẩm cây ăn quả có múi của tỉnh chủ yếu được tiêu thụ tại chỗ và các tỉnh lân cận, chưa có nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý do đó giá trị thu nhập không cao. Từ năm 2014 đến nay khi Hòa Bình có chỉ dẫn địa lý cho cam Cao Phong, các sản phẩm cây ăn quả có múi đã được chứng nhận sở hữu trí tuệ như: Bưởi đỏ Tân Lạc, cam Lạc Thủy, cam, bưởi Mường Động (Kim Bôi), quýt Nam Sơn (Tân Lạc), bưởi Yên Thủy…
Nhờ đó trong 5 năm trở lại đây, diện tích và sản lượng cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh tăng liên tục. Năm 2015 diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh đạt 4.695 ha, sản lượng đạt trên 40.600 tấn, tới năm 2020 đạt khoảng 11.000 ha, sản lượng ước đạt 159.000 tấn. Sản phẩm cây ăn quả có múi cũng đã được chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau như: nước ép, rượu, xà phòng, mứt….Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 35 hợp tác xã với ngành nghề chính là sản xuất cây ăn quả có múi. Một số hợp tác xã đã thực hiện khá tốt từ khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm coh thành viên hợp tác xã như: Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Mường Động- Kim Bôi, Hợp tác xã Hà Quang – Cao Phong, Hợp tác xã bưởi đỏ Giang Lộc – Tân Lạc….
Thời gian tới, theo định hướng phát triển cây ăn quả có múi đến năm 2025, tỉnh tiếp tục duy trì quy mô diện tích cây có múi khoảng 14 ngàn ha ở vùng trồng thích hợp, phù hợp thị trường tiêu thụ, thông qua tuyên truyền cho người sản xuất và biện pháp quản lý trên địa bàn. Tăng cường chuyển giao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tưới tiết kiệm vào sản xuất để hình thành vùng chuyên canh; đẩy mạnh công tác chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ; phấn đấu đến năm 2025 có 100% diện tích áp dụng quy trình sản xuất và có trên 50% diện tích được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm cây ăn quả của tỉnh. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đặc biệt là các dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, dự án bảo quản chế biến sản phẩm cây ăn quả, các dự án gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả./.