DetailController

Trồng trọt

Chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh

17/03/2023 17:00
Nhằm cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; đồng thời huy động nguồn lực của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia thực hiện có hiệu quả Kế hoạch; ngày 17/3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 54/KH-UBND về thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Chủ thể tham gia xuất khẩu luôn củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng quy mô của các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu.

Theo đó, tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng đạt khoảng 2.361 triệu USD; đến năm 2030 đạt khoảng 4.050 triệu USD. Nhập khẩu hàng hóa, máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng; đảm bảo cán cân thương mại hợp lý trên địa bàn tỉnh.

Trong định hướng phát triển chung, tỉnh tập trung phát triển mạnh hoạt động xuất nhập khẩu với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế. Chuyển dịch mạnh cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến và sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Phát triển sản phẩm xuất khẩu đến năm 2030 gồm: Nhóm hàng điện tử, nhóm hàng dệt may, nhóm hàng kim loại, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản và nhóm hàng hóa khác. Phát triển thị trường xuất khẩu theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa. Củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng quy mô của các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp tạo mặt bằng thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh tạo sản phẩm mới để xuất khẩu. Các nhóm hàng phát triển sản phẩm xuất khẩu thuộc về: Hàng điện tử, hàng may mặc, nông- lâm- thủy sản, hàng kim loại, hàng hóa khác. Tỉnh định hướng phát triển thị trường xuất khẩu của tỉnh theo hướng liên tục, thường xuyên và bài bản, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường xuất khẩu, nhất  là các thị trường yêu cầu cao về chất lượng như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Chủ thể tham gia xuất khẩu luôn củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng quy mô của các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu.

Kế hoạch hành động xác định 6 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, gồm: Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung cấp bền vững cho xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn; hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu; quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý; nâng cao vai trò của các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Công Thương thực hiện nhiệm vụ là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch, định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch phát triển hạ tầng phục vụ cho phát triển xuất khẩu. Rà soát, bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan lập báo cáo nghiên cứu khả thi mời gọi các nhà đầu tư có uy tín trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, gia công và chế biến hàng xuất khẩu, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới thân thiện với môi trường.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt công tác khuyến nông; hướng dẫn bà con nông dân nuôi trồng, khai thác, bảo quản và chế biến theo đúng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm xuất khẩu. Chủ trì tổ chức hướng dẫn cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân xây dựng vùng sản xuất theo các quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP); quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; rà soát hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng (FSC), mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu. Chú trọng áp dụng khoa học - công nghệ, tạo giống cây trồng trong quá trình sản xuất để tăng năng suất và chất lượng hàng hoá nguyên liệu theo hướng phục vụ xuất khẩu hàng hóa.

Chi cục Hải quan Hòa Bình- Cục Hải quan Hà Nội tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan để tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng. Chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành liên quan để đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát doanh nghiệp, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh. Thực hiện hiệu quả công tác hướng dẫn, giải đáp vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan của các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn Tỉnh.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, bổ sung quy hoạch về vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến và xuất khẩu, rà soát hệ thống dịch vụ logistics quy mô nhỏ, logistics trong nông nghiệp. Bố trí cán bộ có năng lực làm đầu mối để theo dõi, đôn đốc thực hiện các hiệp định thương mại tự do tại địa phương. Thường xuyên nắm bắt tình hình và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách cấp mình để triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch./.