Thực hiện Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” đạt hiệu quả. Ngày 26/1/2011, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 03/CT-UBND yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ như sau:
1. Nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước:
a) Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành, từ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý đến tất cả các cán bộ, công chức, viên chức.
b) Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và quán triệt đầy đủ các quy định của Luật, các văn bản dưới Luật, hướng dẫn, chỉ đạo về công nghệ thông tin; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm trực tiếp phổ biến, quán triệt và tổ chức, chỉ đạo, triển khai các biện pháp để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước, phân công cán bộ Lãnh đạo chịu trách nhiệm về hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực, địa phương và tổ chức, cơ quan của mình.
2. Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.
a) Sở Thông tin và Truyền thông cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo công nghệ thông tin tỉnh chủ trì thực hiện việc tham mưu, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 6/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 – 2015; Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 Phê duyệt Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông".
Hỗ trợ các Sở, Ban, Ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc xây dựng phương án, giải pháp kỹ thuật, lựa chọn công nghệ để xây dựng và hoàn thiện các hệ thống mạng theo hướng hiện đại và đồng bộ.
Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc lập kế hoạch, phân bổ và sử dụng kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định để thực hiện các hoạt động, dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước các cấp.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính ưu tiên bố trí kinh phí để đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính; chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ lồng ghép một phần kinh phí từ nguồn phát triển khoa học công nghệ hàng năm phục vụ phát triển công nghệ thông tin của tỉnh theo ý kiến kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Thông báo số 4591/TB-VPUBND ngày 21/12/2010 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.
c) Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ưu tiên bố trí kinh phí (kết hợp với các chương trình, dự án, các nguồn vốn khác) đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hoàn thiện hệ thống mạng nội bộ của đơn vị, để kết nối đến các đơn vị trực thuộc và Trung tâm kết nối liên thông các hệ thống thông tin của tỉnh.
3. Đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm quản lý trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước.
a) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì việc tham mưu, xây dựng kế hoạch thực hiện, triển khai các phần mềm dùng chung, các phần mềm ứng dụng vào công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước chung của tỉnh; hoàn chỉnh hệ thống thư điện tử của tỉnh đảm bảo thực hiện việc cung cấp địa chỉ thư điện tử cho các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức các cấp.
b) Các Sở, Ban, Ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường trao đổi văn bản điện tử trong hệ thống thư điện tử của tỉnh; các đơn vị đưa vào sử dụng các phần mềm dùng chung, các phần mềm phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ; khai thác và trao đổi thông tin, văn bản điện tử trên môi trường mạng, cung cấp các dịch vụ hành chính công, các thông tin lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, lên website của đơn vị, nhất là các thông tin về chính sách, pháp luật, các thủ tục hành chính chuyên ngành phục vụ cho các tổ chức, doanh nghiệp và công dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cơ quan hành chính nhà nước.
4. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước.
Sở Nội vụ chủ trì triển khai xây dựng Đề án thu hút nguồn nhân lực và cơ chế tuyển dụng công chức đối với ngành công nghệ thông tin. Tăng cường nguồn lực đào tạo, nâng cao kiến thức về tin học cho cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh.
Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng và tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về quản lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin, quản trị hệ thống, an toàn thông tin và an ninh mạng cho cán bộ chuyên trách của các cơ quan, đơn vị.
Các Sở, Ban, Ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ưu tiên bố trí, tuyển dụng cán bộ làm công tác chuyên trách về công nghệ thông tin, quản trị mạng tin học tại đơn vị.
5. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước là nhiệm vụ bắt buộc đối với các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố và các cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước của tỉnh. Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, Ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện.
6. Giao Ban chỉ đạo công nghệ thông tin tỉnh tổ chức thực hiện và tổng hợp kết quả định kỳ báo cáo (6 tháng, 1 năm) Ủy ban nhân dân tỉnh để đến năm 2015 tỉnh Hòa Bình trở thành tỉnh có mức độ sẵn sàng về CNTT khá trở lên như kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Thông báo số 690-TB/VPTƯ ngày 18/6/2009 của Văn phòng Tỉnh ủy; các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, UBND các huyện, thành phố theo định kỳ trên gửi báo cáo về tình hình thực hiện Chỉ thị này về Ban Chỉ đạo công nghệ thông tin tỉnh thông qua cơ quan thường trực là Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.