
Theo Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nguyễn Hồng Mạc, địa bàn vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn có diện tích rộng, địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi cao, dốc; đường giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa và sống rải rác, đời sống kinh tế của người dân còn vất vả, manh mún trong trồng trọt và chăn nuôi. Đặc biệt, địa bàn các xã vùng đặc biệt khó khăn rộng, đi lại vất vả ảnh hưởng nhiều đến việc đi học của học sinh, nhất là khi thời tiết xấu. Trong khi đó, cơ sở vật chất và trang thiết bị cho giáo dục đã được tăng cường, song còn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, nhiều trường thiếu phòng học bộ môn, nhà công vụ, thiếu nước sinh hoạt, khó khăn về nguồn lực, cơ sở vật chất ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học của các nhà trường; một số cán bộ quản lý giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, một số trường học thiếu nhân viên theo quy định, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ năm học; đời sống của đội ngũ giáo viên mầm non ngoài biên chế cũng còn gặp nhiều khó khăn; tại các trường vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn vẫn còn giáo viên tiểu học có trình độ THSP 9+3; nhiều trường có nhiều chi lẻ, học sinh mỏng, ghép nhóm, ghép lớp nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, sau một năm triển khai năm giáo dục vùng khó khăn, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình đã tạo ra bước đột phá mới để hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Đến nay, công tác huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục vùng khó khăn từng bước có hiệu quả; chất lượng giáo dục đại trà vùng khó khăn có chuyển biến rõ nét; công tác phổ cập giáo dục được nâng cao và duy trì bền vững; cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường vùng khó khăn tiếp tục được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, thì ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị đặc biệt quan tâm đối với các lớp đầu cấp nhằm giúp học sinh làm quen với điều kiện học tập, sinh hoạt, tiếp cận phương pháp dạy học và giáo dục trong nhà trường; tổ chức các hoạt động để tạo môi trường học tập gần gũi, thân thiện đối với học sinh; tích cực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số và dạy học sát với kỹ năng, trình độ nhận thức của các đối tượng học sinh. Đồng thời chủ động mở các lớp chuyên đề nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức, người lao động trên địa bàn. Điển hình như trong năm 2013, có 12 trung tâm học tập cộng đồng các xã thuộc vùng khó khăn huyện Tân Lạc đã mở 87 lớp học chuyên đề với 8.320 học viên tham gia; các trung tâm học tập cộng đồng huyện Yên Thủy đã tổ chức được 21 chuyên đề với các nội dung phong phú; lồng ghép 14 chuyên đề với các hội nghị chuyên đề của xã. Ngoài ra, các phòng Giáo dục và Đào tạo cũng chủ động tham mưu cho UBND huyện, thành phố cử cán bộ quản lý, giáo viên vùng đặc biệt khó khăn đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó, huyện Lạc Sơn cử 52 cán bộ, giáo viên tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, học đại học, cao đẳng, tiếng Anh; huyện Cao Phong cử 143 cán bộ, giáo viên đi đại học, cao đẳng, trung cấp; thành phố Hòa Bình cử 19 cán bộ, giáo viên theo học các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cũng chủ động bố trí, sắp xếp hoặc bổ sung hợp lý đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ chuyên môn giỏi, tâm huyết cho các trường vùng đặc biệt khó khăn như huyện Lạc Sơn điều động 45 cán bộ quản lý, giáo viên dạy giỏi, có kinh nghiệm đi tăng cường cho các xã vùng đặc biệt khó khăn.
Hơn nữa, các địa phương cũng rất chủ động huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục vùng khó khăn tư các nguồn vốn, chương trình, dự án...Trong đó, huyện Lạc Sơn đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường vùng khó khăn với kinh phí hơn 11 tỷ đồng; huyện Yên Thủy đầu tư xây dựng một nhà hiệu bộ, 14 phòng học, hai nhà vệ sinh, một công trình nước sạch cho các trường vùng khó khăn. Tại huyện Cao Phong dự án Childfund xây dựng nhà lớp học, công trình phụ trợ trị giá 2,1 tỷ đồng; ngân sách huyện đầu tư xây dựng nhà lớp học và các hạng mục phụ trợ cho các trường mầm non Tây Phong, Dũng Phong, Nam Phong với kinh phí hơn 17 tỷ đồng; đang làm thủ tục đầu tư xây dựng bảy công trình với kinh phí dự kiến 34,4 tỷ đồng; mua sắm thiết bị cung cấp cho các trường mầm non 1,9 tỷ đồng. Huyện Tân Lạc đã đầu tư kinh phí xây dựng nhà đa năng, nhà hiệu bộ, phòng học chức năng, hạng mục phụ trợ cho các trường vùng khó khăn là 19,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện năm giáo dục vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều tồn tại do quy mô trường, lớp học các trường mầm non vùng khó khăn còn bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân, tỷ lệ huy động trẻ mầm non tới lớp thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh; chất lượng, hiệu quả giáo dục vùng khó khăn tuy đã có những chuyển biến nhất định, nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức thấp, mức độ chuyển biến chưa nhiều; một số đơn vị trường học nhiều năm liền không có học sinh tham dự học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh; chất lượng mũi nhọn có sự chênh lệch rõ rệt so với các trường vùng thuận lợi; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đối với trường vùng khó khăn chưa đạt hiệu quả cao; một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn yếu về năng lực, chưa thực sự tâm huyết với nghề, chưa thực sự cố gắng, ít chủ động sáng tạo trong công việc, việc đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học còn lúng túng. Bên cạnh đó, công tác phổ cập giáo dục tuy đã đạt được các tiêu chuẩn theo quy định, song vẫn ở mức thấp, chưa vững chắc; tình trạng học sinh nghỉ, bỏ học ở cấp THCS, THPT vùng khó khăn và một bộ phận học sinh đi học không chuyên cần ở một số đơn vị trường vẫn còn xảy ra; cơ sở vật chất trường học tuy đã được đầu tư từ nhiều chương trình, dự án song nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu, hầu hết các đơn vị trường vẫn thiếu các phòng học bộ môn, phòng học chức năng, văn phòng nhà trường và các công trình phụ trợ khác, thiếu công trình vệ sinh, nước sạch.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư các nguồn lực phát triển giáo dục vùng khó khăn; quan tâm chăm lo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường vùng khó khăn; thực hiện đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo; quan tâm chăm lo các trung tâm học tập cộng đồng vùng khó khă về tổ chức hoạt động, đưa hoạt động vào nền nếp, có hiệu quả; phát triển toàn diện các trường phổ thông dân tộc nội trú THCS, trường phổ thông dân tộc nội trú THPT, các trường bán trú dân nuôi; tăng cường công tác Đảng, đoàn thể quần chúng trong các trường học vùng khó khăn.