Trong năm 2010, Trung tâm nhiều tiến bộ KHCN đã được áp dụng vào thực tế sản xuất. Tuy không phải là những mô hình mới nhưng tất cả các ứng dụng này nổi trội về giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện địa phương. Từ áp dụng thành công các mô hình đã góp phần định hướng phát triển kinh tế cho người dân, góp phần cải thiện đời sống nhân dânm- ông Trần Đình Thắng, Phó giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN chia sẻ.
Vài năm về trước, đến các miền quê vào những ngày gặt, hẳn ai cũng đã từng thấy nông dân đốt hết rơm, rạ sau khi tận thu thóc gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn của người tham gia giao thông Tuy nhiên, thời gian gần đây, người nông dân dường như đã từ bỏ được thói quen đó. Thay vì đốt rơm, rạ, những phế phẩm nông nghiệp này được tận dụng để trồng nấm. Anh Trần Đình Thắng cho biết: Khi áp dụng vào thực tế, mặc dù hiệu quả chỉ đạt 90% lý thuyết, song mô hình trồng nấm thương phẩm tại các huyện Lạc Thuỷ, Đà Bắc, Kỳ Sơn đã khẳng định những hiệu quả vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác. Cứ 5 tấn rơm thu được từ 1 ha lúa, với chi phí đầu tư khoảng từ 1,2- 1,5 triệu đồng cho 30 tạ nấm thương phẩm. Mỗi chu kỳ sản xuất kéo dài trong khoảng 75- 80 ngày cho 3 lần thu. Với giá nấm trên thị trường hiện nay dao động trong khoảng 20.000- 30.000 đồng/kg, thu nhập bình quân từ 5 tấn rơm sản xuất nấm thương phẩm đem lại xấp xỉ 30 triệu đồng. Kết thúc chu kỳ, người dân còn có thể dùng bã bón cho cây trồng.
Năm 2009, mô hình trồng nấm rơm mới chỉ được Trung tâm ứng dụng tại Cư Yên (Lương Sơn), Thu Phong, Bắc Phong (Cao Phong), Tu Lý (Đà Bắc), đến nay đã được nhân rộng ra nhiều xã, phường, thị trấn tại hầu hết các huyện, TP trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh mô hình trồng nấm, các mô hình: trồng rau su su lấy ngọn tại 5 xã vùng cao của huyện Tân Lạc, xã Ba Khan (Mai Châu); trồng hoa tại Kỳ Sơn; ủ rơm, rạ bằng phương pháp thủ công làm thức ăn cho trâu, bò đều đem lại hiệu quả cao.
Tính riêng trong năm 2010 đã có 11 mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN được Trung tâm triển khai tại 7 huyện, thành phố trong tỉnh. Tiêu biểu như: mô hình lợn bản địa tại Kỳ Sơn, Lạc Sơn; tư vấn kỹ thuật trồng nấm, mộc nhĩ tại P. Đồng Tiến (TP Hòa Bình); tư vấn kỹ thuật thực hiện trồng nấm sò tại TT Cao Phong (Cao Phong)... Trong năm 2011, các tiến bộ KHCN sẽ tiếp tục được Trung tâm triển khai đến các địa phương trong tỉnh. Cụ thể trong tháng 3, sẽ triển khai ứng dụng chế phẩm vi sinh BIOMIX- rơm rạ, chế biến rơm, rạ thành phân hữu cơ tại đồng ruộng bón cho cây trồng nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững. Được biết, năm 2010, Trung tâm được UBND tỉnh phê duyệt cho phép xây dựng phòng nuôi cấy mô tế bào thực vật. Sự ra đời của phòng nuôi cấy sẽ góp phần bảo tồn những gen quý, đồng thời giúp chủ động lựa chọn gen tốt sản xuất cây giống phục vụ sản xuất.