DetailController

Thể thao

Cầu lông Việt Nam: Học được gì từ bạn?

06/09/2011 00:00
Tại giải cầu lông Việt Nam mở rộng vừa qua, Việt Nam chỉ có mỗi Tiến Minh tiến sâu dù cử lực lượng mạnh nhất. Trong khi đó, Malaysia dù chỉ cử sang đội hình 2 vẫn tiến sâu ở tất cả các nội dung. Thành công đó của Malaysia để lại cho cầu lông Việt Nam rất nhiều bài học.

Không tham dự SEA Games

Tay vợt cầu lông số 1 thế giới người Malaysia, Lee Chong Wei đã tuyên bố một câu rất đáng suy ngẫm khi quyết định không thi đấu tại SEA Games 26 sắp tới: “Tôi muốn được nhìn thấy các VĐV trẻ tranh tài ở đấu trường này. Nếu tôi dự giải ít nhất một VĐV trẻ sẽ mất đi cơ hội. Đây chính là những người sẽ kế cận chúng tôi. Vì thế, tôi dành cơ hội này cho họ mong họ sẽ trưởng thành hơn…”. Không chỉ riêng một mình Lee Chong Wei có hành động đó mà đó gần như là “khuôn mẫu” chung cho cầu lông Malaysia những năm qua từ các nhà quản lý cho đến các VĐV.

Họ không coi thường SEA Games, nhưng không xem đây là đấu trường phải dốc hết sức. Ở môn cầu lông, nó vẫn còn kém những sân chơi chất lượng khác như Olympic, vô địch thế giới, vô địch Châu Á hay các giải Super Series. Hướng đến những sân chơi lớn hơn là cách đầu tư thể thao theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. SEA Games chỉ là bước đệm đầu tiên để các tay vợt trẻ muốn tạo lập danh tiếng ở đấu trường lớn hơn. Việc cầu lông Malaysia “giao” SEA Games cho các VĐV trẻ vừa kích thích, tạo động lực cho họ phát triển vừa giảm áp lực cho những VĐV đã thành danh để họ chuyên tâm dồn sức cho những đấu trường lớn hơn.

Chẳng bù cho cầu lông Việt Nam. Hiện tại ngoài Tiến Minh chẳng còn VĐV trẻ nào xứng đáng để coi là người kế thừa. Ở nữ có một số VĐV như Vũ Thị Trang, nhưng chừng đó là quá ít đối với một môn thể thao được nhiều người yêu thích như cầu lông. Việc trẻ hóa cũng như khoảng trống ở khâu kế thừa đã được nói đến nhiều nhưng đến giờ mọi chuyện vẫn như cũ. Chợt thấy chạnh lòng khi tại SEA Games này, Tiến Minh có cơ hội để tranh huy chương khi Lee Chong Wei vắng mặt…

Lãng phí thương hiệu

Mới đây, cầu lông Malaysia đã được Ngân hàng Maybank tài trợ một số tiền kỷ lục lên đến 13,7 triệu USD trong vòng 6 năm. Bên cạnh đó, nhà sản xuất ôtô Proton cũng tài trợ cho họ số tiền hơn 3 triệu USD trong 5 năm. Sở dĩ Liên đoàn Cầu lông Malaysia kiếm được gói tài trợ khổng lồ này nhờ biết tận dụng “thương hiệu” của tay vợt số 1 thế giới Lee Chong Wei, người đã trở thành một biểu tượng đẹp không chỉ bó hẹp ở môn cầu lông.

Việt Nam thì sao. Xét ở mặt bằng các VĐV thể thao Việt Nam, tay vợt Nguyễn Tiến Minh xứng đáng được coi là một “thương hiệu” lớn ở quốc gia không chỉ riêng ở thể thao mà ảnh hưởng đến cả giới trẻ Việt Nam. Anh xuất hiện liên tục ở các giải đấu quốc tế, xây dựng được một hình ảnh giản dị, trong sáng ở đời thường, sự chuyên nghiệp khi thi đấu. Bên cạnh đó, xuất phát điểm của anh không giống như các VĐV thể thao khác đi lên từ khốn khó, Tiến Minh là điển hình cho tài năng thể thao dạng “nhà giàu vượt khó”…

“Thương hiệu” Tiến Minh đã được các đối tác để ý đến và ký những hợp đồng tài trợ như Becamex, Yonex, Victor, tuy nhiên nó chỉ mang tính cá nhân. Chỉ có điều những người làm cầu lông Việt Nam đã không biết tận dụng thương hiệu đó để thúc đẩy phong trào cầu lông, đem nguồn thu về cho bộ môn chứ không phải ngửa tay chờ kinh phí từ ngân sách đưa xuống. Xa hơn là chuyện xây dựng được một hình mẫu đẹp cho giới trẻ nói chung, kích thích phong trào cầu lông phát triển nói riêng.

Cầu lông Malaysia hay Trung Quốc làm giàu được từ Lee Chon Wei và Lin Đan, lẽ nào Việt Nam không làm được với Tiến Minh!?