Hôm đó, vào một ngày cuối tháng 4-1975, khi quân và dân ta ào ạt tiến quân vào Sài Gòn, chuẩn bị kết thúc thắng lợi Chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng ngồi trên ca-nô chạy ngược dòng sông Ðà. Ði cùng Thủ tướng thẩm định lần cuối địa điểm xây dựng tuyến đập của Nhà máy thủy điện Hòa Bình, có một số cán bộ, chuyên gia, công nhân kỹ thuật. Khi ca-nô chạy ngược lên cách phía trên thị xã Hòa Bình non một km, ngang với đồi 206, thì máy nổ lặng dần, ca-nô đi chầm chậm. Anh cán bộ Ban xây dựng sông Ðà bỗng đứng dậy nhẹ nhàng, vừa đưa tay phải lên chỉ vùng sông nước bao quanh, vừa lễ phép thưa:
- Dạ! Thưa Thủ tướng, tuyến đập thủy điện Hòa Bình sẽ xây dựng nơi đây!
Nơi đây, đúng ngày 2-9-1971, sau khi làm lễ mừng 26 năm Ngày Quốc khánh, một đơn vị nhỏ gồm đảng viên, đoàn viên thanh niên đã lên đồi 206 này cắm lá cờ cách mạng đỏ thắm và đặt mũi khoan đầu tiên cho việc khoan khảo sát công trình sông Ðà. Từ đó, bất chấp những năm tháng Mỹ - ngụy đưa quân càn quét 'bình định' miền nam, dùng máy bay ném bom miền bắc, họ vẫn đi khảo sát suốt 11 tuyến hai bên bờ sông Ðà, từ Trung Hà, qua Hòa Bình, Chợ Bờ, lên Bản Mực... với chiều dài ngót một trăm km và chiều rộng hai bên sông Ðà gần mười km. Ðến khi chọn được tuyến chính thức này để xây công trình thủy điện Hòa Bình, họ đã phải khoan 6.500 m ở trên đồi, dưới sông, đủ các nơi đất, đá, cát, sỏi khác nhau và đào hơn một nghìn mét đường hầm lò xuyên núi để xem nguyên dạng kết cấu của từng tầng đất, đá...
Sau khi quan sát, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng ân cần hỏi cán bộ, chuyên gia, công nhân cùng đi:
- Các đồng chí đã thật sự yên tâm chọn nơi đây xây tuyến đập công trình thủy điện Hòa Bình?
Ai cũng trả lời đã yên tâm. Thủ tướng gợi ý tiếp:
- Vậy ai còn có điều gì băn khoăn?
Lặng im giây lát, bỗng có một người mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình:
- Dạ. Thưa Thủ tướng, sau này khi hai bậc công trình sông Ðà gồm bậc thang một là thủy điện Hòa Bình, bậc thang hai là thủy điện Sơn La xây dựng xong, chắc điện sẽ không sao sử dụng hết? (Lúc đó chưa dự kiến xây dựng thủy điện Lai Châu - bậc thang cuối).
Thủ tướng cười sảng khoái, rồi sôi nổi nói:
- Các đồng chí cứ cố gắng làm thật tốt đi, đừng lo sau này thừa điện. Chúng ta sẽ kéo lưới điện từ sông Ðà vào Huế, Ðà Nẵng, Sài Gòn, lên Tây Nguyên, xuống tận Cà Mau...
Rồi Thủ tướng nói tiếp cho mọi người cùng nghe về lợi ích của công trình thủy điện sông Ðà. Nào là, ngoài nguồn điện lớn, sẽ hạn chế nước lũ đổ về sông Hồng. Mùa khô, dòng sông Ðà chảy êm ả, hiền hòa, nhưng vào mùa lũ nó trở nên hung dữ vô cùng, đổ xuống sông Hồng một lượng nước chiếm 55% lượng nước của toàn bộ sông Hồng lúc đó. Theo một tài liệu thủy văn, trong những trận lũ lớn vào các năm 1945, 1969, 1971, lưu lượng nước sông Ðà chiếm khoảng từ 40 đến 80% lưu lượng nước sông Hồng tại Sơn Tây. Hai bên dòng sông Ðà, chỗ nhô ra như khuỷu tay, chỗ lõm vào lượn sát chân núi. Công trình thủy điện Hòa Bình là bậc đầu mối của công trình sông Ðà. Ðể khai thác và lợi dụng tổng hợp sông Ðà, Ðảng và Nhà nước ta dự kiến khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình trong những năm đầu sau kết thúc chiến tranh. Chính phủ Liên Xô đã chính thức ký với Chính phủ ta giúp toàn bộ thiết bị để xây dựng công trình này. Khi xây dựng xong, công trình thủy điện Hòa Bình sẽ khống chế được phần lớn dòng chảy của sông Ðà về mùa lũ. Ba nhánh lớn sông Ðà, sông Thao và sông Lô hợp lưu vào gần một chỗ đổ vào sông Hồng, hằng năm thường tạo nên ngọn lũ lớn, có sức phá hoại mạnh. Công trình thủy điện Hòa Bình sẽ cắt được từ 10 đến 15 nghìn m3 nước lũ trong một giây, bảo đảm an toàn cho hệ thống đê hiện nay chung quanh Hà Nội. Sản lượng điện hằng năm do công trình thủy điện Hòa Bình phát ra từ bảy đến mười tỷ kW/giờ với công suất lắp máy đợt đầu khoảng 1,6 đến 2 triệu kW. Lợi nữa là đường giao thông trên sông Ðà sẽ thành đường trục lớn thuận tiện cả bốn mùa cho tàu có sức chở hai nghìn tấn chạy từ cửa biển qua sông Hồng lên Tây Bắc. Lợi nữa là có nguồn nước cung cấp cho công nghiệp, nông nghiệp tăng lên nhờ công trình này điều tiết dòng chảy sông Ðà vào mùa cạn. Nó cho phép tưới nước, tiêu nước ổn định trên phần lớn diện tích đồng bằng Bắc Bộ. Và lợi nữa là trên hồ nước mênh mông sông Ðà này, với chiều dài hơn 200 km, thả xuống đây những đàn cá chiên, cá anh vũ... thì nó tha hồ vùng vẫy, phát triển...
Nói đến đây, Thủ tướng nhấn mạnh: 'Ðó là năm cái lợi nổi rõ của toàn bộ công trình sông Ðà sau khi xây dựng xong'.
Quả vậy, sau khi giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, lời nói trên của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng đã được nhân dân ta thể hiện bằng những thời điểm, con số thực tế, sinh động: ngày 7-11-1979 khởi công xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Lúc cao nhất, công trường xây dựng nhà máy này có tới gần 70 nghìn người làm việc không quản ngày đêm, gian khổ. Ngày 12-1-1983 bắt đầu ngăn sông Ðà, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng ném viên đá đầu tiên (trong ảnh) mở đầu cho sự kiện lịch sử này. Những năm cuối thế kỷ 20, thủy điện Hòa Bình đã phát lên lưới điện quốc gia với sản lượng từ 7 đến 10 tỷ kW/giờ đi vào tận Cà Mau và mọi miền đất nước.
Và Tết Tân Mão 2011 này, thủy điện Sơn La - bậc thang hai của công trình sông Ðà đã cho tổ máy một phát điện lên lưới. Dự kiến sau hai năm nữa, vào dịp Tết Nguyên đán năm 2012 cả sáu tổ máy của Nhà máy thủy điện Sơn La với sản lượng bình quân hằng năm hơn 9 tỷ kW/giờ sẽ phát lên hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Và hơn thế nữa, Quốc hội khóa 12 họp kỳ thứ sáu đã quyết định xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu - bậc thang thứ ba của công trình sông Ðà. Công trình này có ba tổ máy, công suất 1.200 MW, khởi công tháng 12-2010, dự kiến đến năm 2016, tổ máy số một phát điện. Trong dịp Tết Tân Mão này, trên công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu đã có hơn một nghìn người với phương tiện cơ giới mới đang làm việc không quản thời tiết nắng gió, mưa rét của vùng Tây Bắc.