Mục tiêu cụ thể tới năm 2025: Phấn đấu đạt tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh duy trì tỷ lệ 95% trở lên, trong đó tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn đạt 61%; số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày. Tỷ lệ hệ thống cấp nước tập trung khu vực nông thôn đối với công trình đang hoạt động bền vững trên toàn tỉnh lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn đạt trên 70%.
Phạm vi thực hiện: Triển khai trong hoạt động dịch vụ sản xuất, cung cấp nước sạch sinh hoạt đối với hệ thống cấp nước tập trung nông thôn có công suất cấp nước sạch sinh hoạt từ 100m3/ngày đêm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc quản lý tài sản công trình cấp nước; vận hành, sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch sinh hoạt tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Nội dung thực hiện gồm: Thực hiện có hiệu quả cấp nước an toàn khu vực nông thôn; chất lượng nước sạch sinh hoạt; công tác quản lý, vận hành khai thác tài sản công trình cấp nước; công tác thông tin tuyên truyền; ứng dụng khoa học công nghệ.
UBND tỉnh giao: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tài liệu hướng dẫn, tổ chức tập huấn về xây dựng, trình phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn đối với công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình; Tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị cấp nước, các hộ gia đình theo dõi, giám sát và duy trì số lượng, chất lượng nước; Xây dựng thông tin, dữ liệu bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn; Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện cấp nước an toàn cho Ủy ban nhân tỉnh và Cục Thủy lợi theo Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư số 23/2022/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị cấp nước và các cơ quan có liên quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch. Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Sở Y tế Khẩn trương hoàn thiện Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về Chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và tuyên truyền triển khai thực hiện đến các đơn vị liên quan cấp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh thực hiện Quy chuẩn; Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, các đơn vị liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra chất lượng chất lượng nước sau xử lý tại các đơn vị cấp nước.
Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, quản lý việc khai thác sử dụng nguồn nước, kiểm tra hướng dẫn việc “thiết lập vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt” trên địa bàn tỉnh; - Chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước và xả thải không đúng theo quy định.
Sở Thông tin và Truyền thông Chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tích cực sử dụng các nguồn nước sạch; nâng cao nhận thức về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, trách nhiệm bảo vệ nguồn nước và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, giám sát, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện các chương trình, dự án cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch. Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách liên quan để huy động nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án phục vụ hệ thống sản xuất, cung cấp nước sạch sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu bố trí vốn đầu tư và lồng ghép Kế hoạch cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch nông thôn giai đoạn 2024-2028 vào các chương trình, dự án thuộc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của tỉnh.
Sở Tài chính Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành thẩm định phương án nước sạch do các đơn vị cấp nước gửi; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt giá bán buôn, giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt cho khu vực hoặc công trình cấp nước tập trung nông thôn. Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định chính sách hỗ trợ về giá nước sạch theo thẩm quyền hoặc trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định hỗ trợ về giá nước sạch sinh hoạt khu vực nông thôn cho các đơn vị cấp nước phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật hiện hành (nếu có). Căn cứ khả năng ngân sách và chế độ tài chính hiện hành tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét bố trí kinh phí để nâng cấp các công trình cấp nước tập trung nông thôn đảm bảo đạt được tiêu chí người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn (nếu có).
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch này. Hằng năm tổng hợp kế hoạch cải tạo, sửa chữa các công trình thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã được giao tài sản hoặc tạm quản lý, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn xây dựng phương giá nước trình thẩm định, phê duyệt theo quy định; phối hợp với đơn vị chức năng của tỉnh rà soát năng lực của các đơn vị cấp nước trên địa bàn quản lý, đề xuất cấp có thẩm quyền sắp xếp củng cố, kiện toàn đảm bảo năng lực quản lý công trình theo quy định; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại địa phương trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo thẩm quyền. Hằng năm báo cáo kết quả thực hiện trên địa bàn quản lý gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư số 23/2022/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo theo quy định.
Các đơn vị cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn lập và thực hiện Kế hoạch đảm bảo cấp nước an toàn của hệ thống, công trình cấp nước sạch nông thôn do đơn vị mình quản lý theo nội dung Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 12 và thực hiện trách nhiệm đơn vị tại Điều 19, Điều 20, Thông tư số 23/2022/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Báo cáo kết quả thực hiện theo quy định; hằng năm lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa các công trình được giao quản lý gửi Ủy ban nhân dân huyện tổng hợp (đối với các công trình do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý), gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp (đối với các công trình do Doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập quản lý); hằng năm xây dựng phương án giá nước và cấp bù giá hoặc trợ giá nước (nếu có) các công trình được giao quản lý trình Sở Tài chính thẩm định; tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo cấp nước an toàn theo kế hoạch đã được phê duyệt (sau 2 năm đầu thực hiện kế hoạch hoặc trong quá trình thực hiện kế hoạch đảm bảo cấp nước an toàn nếu có những biến đổi lớn về nguồn nước, về hệ thống cấp nước hoặc hộ sử dụng nước phải xem xét điều chỉnh, bổ sung kế hoạch cấp nước an toàn cho phù hợp với thực tế). Bảo vệ nguồn nước do đơn vị trực tiếp khai thác, sử dụng; theo dõi, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình. Trường hợp phát hiện hành vi gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm, không bảo đảm an toàn cho việc khai thác nước của công trình và các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước khác trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác thì phải kịp thời ngăn chặn, đồng thời báo cáo ngay đến chính quyền địa phương nơi gần nhất để xử lý. Có phương án khai thác nguồn nước khác để thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đang khai thác./.